Ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện nay, nhiều lao động trên địa bàn nhàn rỗi do vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân. Trong khi đó, tại "xứ sở Kim chi" bắt đầu bước vào thời vụ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, UBND huyện chủ trương tuyên truyền, vận động người lao động tham gia Chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Năm 2022, UBND huyện và Chính quyền quận Buan, tỉnh Jeollabuk đã ký kết Chương trình hợp tác thỏa thuận đưa lao động địa phương sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Tuy nhiên do COVID-19 diễn biến phức tạp nên đến nay, Chương trình mới được khởi động.
Để đáp ứng nguồn lao động cho đợt tuyển chọn này, UBND huyện Thới Bình chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát các đối tượng trong độ tuổi, xác minh lý lịch nhân thân, khám sức khỏe sàng lọc và có phương án hỗ trợ người lao động đủ điều kiện tham gia buổi tuyển chọn trực tiếp từ nhà tuyển dụng Hàn Quốc. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn, cung cấp cho người lao động những thông tin cần thiết trước khi được tuyển dụng đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, nhất là tuân thủ tốt pháp luật của nước sở tại, hết hợp lao động phải trở về Việt Nam.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau) cho biết, trong đợt này, Hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, quận Buan tuyển dụng lao động tỉnh Cà Mau để làm công việc trồng khoai, cải, dưa, ớt, hành… Đây là chương trình lao động thời vụ. Đi làm việc theo chương trình này, người lao động của tỉnh sẽ được thụ hưởng nhiều quyền lợi như được ký kết hợp đồng trực tiếp với người sử dụng lao động, các chế độ phúc lợi và mức lương đảm bảo khá ổn định. Trước đây, UBND tỉnh Cà Mau đã cử đoàn công tác đến quận Buan (Hàn Quốc) và một số quận khác thuộc tỉnh Jeollabuk để khảo sát vị trí địa lý, công việc người lao động địa phương sẽ làm khi sang Hàn Quốc. Qua đó cho thấy, cơ bản công việc tại Hàn Quốc có sự tương đồng với công việc người lao động đang làm ở Việt Nam, đặc biệt là huyện Thới Bình.
Qua rà soát, bước đầu có 105 lao động của huyện Thới Bình đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đã phỏng vấn trực tiếp 87 lao động đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng; trong đó, quan tâm phỏng vấn, tìm hiểu về nhân thân, sức khỏe, thể lực, tính linh hoạt, thu nhập, công việc người lao động đã từng làm ở địa phương. Đây là lần đầu tiên đại diện Hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, quận Buan tổ chức phỏng vấn tuyển dụng thí điểm lao động của tỉnh, do vậy số lượng lao động được tuyển dụng đi lao động còn hạn chế.
Trước thời gian phỏng vấn tuyển dụng lao động, Đoàn công tác của Chính quyền quận Buan, tỉnh Jeollabuk và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đã có buổi trao đổi, bàn bạc thống nhất về thời gian hợp đồng lao động, chế độ phúc lợi, mức lương và có phương án hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc.
Phía đối tác Hàn Quốc cam kết, lao động Cà Mau được tuyển chọn đi làm việc sẽ được bố trí công việc phù hợp, bảo đảm về quyền lợi, thu nhập theo quy định của pháp luật mà hai bên đã ký kết. Ông Choi Woosik, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, quận Buan cho biết, tháng 5/2022, huyện Thới Bình đã ký kết quy ước với quận Buan, từ đó có cuộc gặp mặt phỏng vấn tuyển dụng lao động đợt này. Phía Hàn Quốc đã ký kết để đón nhân lực làm thời vụ trong 5 tháng, sau đó gia hạn thêm 3 tháng. Như vậy, người lao động địa phương sẽ có 8 tháng làm việc tại Hàn Quốc, có nơi ở sạch sẽ, đầy đủ đồ dùng sinh hoạt. Dịp này, Đoàn công tác của Chính quyền quận Buan, tỉnh Jeollabuk đã đến tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi tôm rừng đạt chứng nhận quốc tế tại thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) để có định hướng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới...