Với việc tái hiện nghi lễ dựng nêu (tức lễ Thướng tiêu) trong Hoàng cung - Đại Nội Huế, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm Ất Mùi, Cố đô Huế đã thực sự vào Xuân.Ngày 23/12 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện nghi lễ dựng nêu trong Hoàng cung - Đại Nội Huế. |
Theo thống kê ban đầu, có khoảng 60.000 khách du lịch, trong đó hơn 40.000 khách quốc tế, đã đăng ký lưu trú tham quan tại Thừa Thiên - Huế dịp Tết Ất Mùi, công suất sử dụng phòng các khách sạn từ ngày mùng 2 - 5 Tết đạt hơn 90%. Đêm Giao thừa, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình nghệ thuật đón năm mới xuân Ất Mùi và bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, Đại Nội - Huế; chương trình nghệ thuật đón giao thừa Ất Mùi và bắn pháo hoa tại thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); chương trình dạ hội chào năm mới tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện miễn phí tham quan ở tất cả các địa điểm thuộc di tích cố đô Huế để phục vụ nhân dân và khách du lịch trong 3 ngày, từ mùng 1 - 3 Tết Ất Mùi (tức từ ngày 19 - 21/2 dương lịch). Trong thời gian này, tại khu vực Đại Nội sẽ diễn ra các hoạt động như lễ đổi gác, biểu diễn tiểu nhạc, đại nhạc, các trò chơi cung đình, múa lân sư rồng, biểu diễn võ thuật cổ truyền; tại quảng trưởng Ngọ Môn sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải khẳng định: Không chỉ hấp dẫn bởi hình ảnh lạ của những người lính một thời, nghi lễ đổi gác còn giữ được chân nhiều du khách bởi sự nghiêm túc của đội hình. Đặc biệt, bên cạnh đó là sự trang trọng, hấp dẫn thu hút du khách với tiết tấu của khúc nhạc "Đăng đàn cung", một tác phẩm thuộc nhã nhạc cung đình Huế.
Với nhiều hoạt động diễn xướng được mở ra như vậy, không gian của Hoàng cung - Đại Nội Huế đang dần sinh động hơn và thỏa mãn được phần nào nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa lịch sử của du khách.
Để làm sống động hơn không gian biểu diễn của nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế, nhất là sau khi nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã quy tụ hơn 170 nghệ sỹ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để đưa nhã nhạc cung đình Huế, từ loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua, phủ chúa xưa, nay đến rộng rãi với công chúng. Nhà hát đã tiến hành dàn dựng và biểu diễn các tiết mục đặc sắc được sưu tầm như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa).
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế, ngoài hệ thống di tích, Tết ở vùng đất cố đô Huế còn thu hút khách du lịch bởi nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, vui xuân rất phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc vùng văn hóa Huế. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa, trò vui nơi thôn dã của người dân Huế chơi Tết thật lắm công phu. Trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật... Nơi đầu đường, góc phố có trò chơi bài vụ, trò bầu cua tôm cá... Trong gia đình có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc, bài cẩu... Các hoạt động đó vẫn được các địa phương lưu giữ, định kỳ tổ chức rộn vang trong ba ngày Tết.
Tết ở Huế còn là dịp để muôn hoa khoe sắc, từ nghề làm trướng liễn để treo Tết, ở đây còn có làng Thanh Tiên chuyên làm hoa giấy. Từ giữa tháng Chạp, hoa giấy nơi đây theo chân dân làng đi làm đẹp khắp chốn thần kinh. Nhưng đẹp nhất vẫn là những đóa hoa đến từ những làng hoa ven sông Hương: Hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân... Tất cả đều tụ hội về công viên Phu Văn Lâu, Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Cung An Định cả tuần trước Tết, để từ đó tỏa ra làm đẹp cho mọi miền, mọi nhà của xứ Huế trong dịp Tết.
Khoảng chục năm trở lại đây, đi chợ hoa đã trở thành một thói quen của người Huế. Ðến chợ hoa, nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra tính cách, khiếu thẩm mỹ, trình độ học vấn và cả sự sang trọng hay bình dân của những người mua hoa và thưởng hoa - đó cũng là một thú vui của Tết ở Huế.
Ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được đón Tết trong không khí đầm ấm, no đủ. Tết năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dành khoảng 10 tỷ đồng để trao quà cho khoảng 50.000 đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hơn 30.600 hộ cận nghèo, hộ nghèo với mức từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuẩn bị hơn 787 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhằm bình ổn giá cả thị trường. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình đưa hàng bình ổn Tết và hàng Việt bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các quầy bán sỉ và lẻ của doanh nghiệp. Tỉnh cũng tổ chức 17 chuyến hàng bình ổn đưa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền… với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác theo mức giá cam kết thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.
Theo ông Trần Phùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, những năm qua, với sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng.
Bài và ảnh: Quốc Việt (TTXVN)