Chuyến tàu nặng tình cá nước - Bài 3: Những ông ngoại ở đảo Sinh Tồn

Trên chuyến tàu quân y 561 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) xuất phát từ cảng Cam Ranh ra Trường Sa vào một ngày Hè 2019 chúng tôi gặp một nhóm gồm năm bác trai rất gắn bó với nhau trong suốt hành trình dài trên biển. Đó là “nhóm ông ngoại đảo Sinh Tồn” mà nhiều thành viên từng tham gia quân ngũ.

Sinh Tồn nặng về “đối ngoại”                                                           

Chú thích ảnh
Các “ông ngoại” trên chuyến tàu ra thăm đảo Sinh Tồn.

Đó là cách nói vui của các chiến sỹ hải quân trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lý do là trong số bảy ông bố ra thăm con đang làm nhiệm vụ trên đảo thì có tới năm người là bố vợ. Như vậy, số lượng ông ngoại chiếm tỷ lệ áp đảo so với các ông nội. Đây là điểm khác biệt thú vị của Sinh Tồn so với các đảo khác.

“Nhóm ông ngoại” thân thiết với nhau như anh em một nhà, gồm: bác Bùi Trung Thông, 63 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, thăm con rể là Lê Tuấn Anh; bác Đinh Tư Hòa, 56 tuổi, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thăm con rể là Trần Mạnh Tú; bác Nguyễn Thế Điền, 54 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, thăm con rể là Phạm Tiến Dũng; bác Nguyễn Duy Thắm, 61 tuổi, trú tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, thăm con rể là Hoàng Khắc Trọng; bác Nguyễn Văn Tính, 64 tuổi, trú tại quận Hải An, thành phố Hải Phòng, thăm con rể là Phạm Hữu Tú.

Thông thường, khi các chiến sỹ, sỹ quan có một suất đón thân nhân ra thăm thì họ vui mừng thông báo nhanh về nhà. Gia đình sẽ tổ chức một cuộc họp để “bình chọn” thành viên nào được ưu tiên ra đảo bởi đây được coi là niềm tự hào của dòng họ, niềm vui của cả láng giềng. Với những người lính đảo đã lập gia đình riêng thì đối tượng được ưu tiên nhất là người vợ, tiếp đó là “tứ thân phụ mẫu”. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình mà “lĩnh ấn” ra đảo có thể là người vợ, bố mẹ ruột hay bố mẹ vợ quân nhân.

Các “ông ngoại” trên đảo Sinh Tồn cho biết, câu “rể là khách” hoàn toàn không chính xác đối với gia đình bộ đội nói chung và lính đảo nói riêng. Với người lính, đặc biệt là những người đang làm nhiệm vụ ở biên cương, nơi đầu sóng ngọn gió, quý trọng tình cảm, không bao giờ có tư tưởng phân biệt nội, ngoại. Thậm chí, theo lời của bác Nguyễn Ngọc Sơn (trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) – một trong hai “ông nội” ở đảo Sinh Tồn, thì sự quan tâm, săn sóc của các chàng rể hải quân đối với các “ông ngoại” chu đáo đến mức “đáng ghen tị”. 

Trong cuộc sống thường nhật ở quê nhà, mỗi khi bố vợ, con rể gặp nhau thì không thể thiếu chén rượu, chai bia, điếu thuốc lào… châm mồi cho câu chuyện. Nhưng theo quân lệnh, các chất kích thích bị cấm triệt để trên các đảo, không có sự ngoại lệ nào. Tuy nhiên, như “ông ngoại” Đinh Tư Hòa cho biết, dòng hàn huyên “bố bố, con con” giữa bác và chàng rể Trần Mạnh Tú chưa bao giờ vơi nhạt vì thiếu “chất cay”. Cũng tương tự,  bác Nguyễn Thế Điền tâm sự rằng tám ngày tám đêm trôi đi quá nhanh, bố con còn nhiều chuyện muốn nói.

Theo lời kể của bác Nguyễn Duy Thắm, những ngày trên đảo Sinh Tồn bác không chỉ đơn thuần là nhạc phụ của chiến sỹ Hoàng Khắc Trong, mà còn được quan tâm như là người cha chung của các anh em trong đơn vị. Những bữa cơm tập thể ấm áp, những cuộc giao lưu xoay vần giữa các phân đội, các buổi lao động tăng gia, câu cá… giúp gắn kết chặt chẽ tình quân dân máu thịt, làm dịu đi những thiếu thốn trong cuộc sống giữa trùng khơi sóng nước để bảo vệ vững cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên hòn đảo nhỏ.

Niềm tự hào về hai người con rể bộ đội

Chú thích ảnh
Nụ cười hạnh phúc trong ngày đoàn tụ ở Trường Sa.

Bác Bùi Trung Thông (quê Tuyên Quang) vốn là bộ đội Trường Sơn dạn dày sương gió. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phong sinh hoạt quy củ trên tàu, qua những bước đi chắc nịch ngay cả khi sóng đánh con tàu lớn lắc lư. Dáng người bác thấp nhỏ nhưng giọng nói vang vang, rành rọt.                            
            
Chúng tôi được biết bà con lối xóm nể trọng bác Thông vì tính tình cương trực và sự nhiệt tình trong công tác xã hội ở địa phương. Bác cũng không giấu niềm tự hào về việc vợ chồng bác có hai người con rể đang phục vụ trong quân đội. Người rể cả đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương ở huyện Đồng Văn, tỉnh  Hà Giang. Người rể út chính là chiến sỹ Lê Tuấn Anh đang canh giữ biển trời ở đảo Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo lời kể của bác Thông, bác thương tất cả con gái, con rể. Song tình cảm của vợ chồng bác có chút phần nghiêng về con rể hải quân như một sự đền bù cho những vất vả, gian nan mà anh đang gánh vác nơi “sóng vỗ ngàn trùng”.

Chàng rể út trong con mắt người bố vợ mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, của người lính đảo: Can trường, kiên định, sống có trách nhiệm, hòa đồng, năng động… Kỷ luật quân đội, sự rèn giũa trong một tập thể gắn kết, môi trường sống có nhiều thử thách đã biến chàng thư sinh con một ở phố thị thành người đàn ông chững chạc, tháo vát. 

Chú thích ảnh
Cột mốc chủ quyền Việt Nam tại đảo Sinh Tồn


Bác Thông thấu hiểu nỗi vất vả xa chồng suốt năm dài tháng rộng của cô con gái. Bác thường xuyên đến thăm cháu ngoại, giúp con cháu những công việc cần đến đôi bàn tay đàn ông, động viên con làm hậu phương vững vàng để người chồng chắc tay súng nơi đảo xa.  

Tâm sự với phóng viên TTXVN, bác Bùi Trung Thông cho biết: Chuyến thăm đảo để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thân nhân bộ đội hải quân. Dù đọc báo, xem tivi về Trường Sa nhiều đến đâu thì mọi người cũng không thể cảm nhận chính xác về cuộc sống của người lính đảo bằng một ngày chiêm nghiệm thực tế. Mỗi người trở về sau chuyến đi sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về biển, đảo Việt Nam, về tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sỹ hải quân, về sự quan tâm của cả nước đối với Trường Sa…       

Bài 4: Thương nhớ sao vơi... Trường Sa ơi!

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Chuyến tàu nặng tình cá nước - Bài 2: Những người mẹ của chiến sĩ Trường Sa
Chuyến tàu nặng tình cá nước - Bài 2: Những người mẹ của chiến sĩ Trường Sa

Trên con tàu quân y 561 xuất phát từ cảng Cam Ranh vào một ngày Hè 2019, trong số hơn 100 thân nhân các chiến sỹ Trường Sa có mười người là mẹ bộ đội. Đây là con số ấn tượng, bởi do điều kiện đặc thù của hành trình ra quần đảo Trường Sa - thời gian dài, sóng, gió và nắng, không phù hợp với những người phụ nữ lớn tuổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN