Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBTƯMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Lễ viếng, truy điệu và an táng 14 hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia vào chiều 16/5/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Hàng ngày các anh phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, sự nguy hiểm của tàn vết chiến tranh đang rình rập, các anh vẫn kiên trì, bền bỉ mong tìm thấy hài cốt của các liệt sỹ đã hy sinh như mong thấy chính người thân của mình”. Chúng tôi xin trích lời cám ơn của anh Tô Văn Dần, con trai liệt sỹ Tô Đình Lăng (hy sinh 1972, tại địa bàn tỉnh Siem Reap, Campuchia) được Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ tỉnh Tây Ninh – Đội K71 tìm thấy và bàn giao cho gia đình năm 2005, để mở đầu loạt bài viết, giới thiệu về những người lính làm công tác chuyên trách tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia của Quân khu 7.
Đã 16 năm qua, cứ mỗi khi mùa khô đến, cán bộ chiến sỹ các đội chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của Quân khu 7 (thường được gọi với phiên hiệu thân thuộc là các đội K, gồm Đội K70 thuộc Cục Chính trị Quân khu 7; Đội K71- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh; Đội K72 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước; Đội K73 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An) lại lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao phó là tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia để đưa “các chú, các bác” trở về với quê hương.
Kỹ năng vỡ lòngTheo biên chế đội K, ngoài bộ khung cán bộ, đại đa số các chiến sỹ của các đội K đều là các chiến sỹ đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Với tuổi mười chín, đôi mươi, những chiến sỹ đội K phải băng rừng, cắt suối nơi xứ lạ, gạt đất kiếm tìm những phần xương cốt còn lại của "các chú, các bác” đã ngã xuống trên đất bạn trong những cuộc chiến tranh.
Sau khi nhập ngũ và tham gia huấn luyện chiến sỹ mới, chiến sỹ Nguyễn Hiếu Thi, quê Tây Ninh được phân về Đội K71, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. Tại đây, bên cạnh những kỹ năng của người lính đã được học, Nguyễn Hiếu Thi và đồng đội của mình được trang bị thêm các kỹ năng “chuyên sâu” phục vụ công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ. Chiến sỹ Nguyễn Hiếu Thi chia sẻ: Về đội, em được hướng dẫn các kỹ năng về đào đất, cách xác định vị trí đào và thứ tự các bước cần phải làm khi phát hiện hài cốt như thế nào.
Nhớ cảm giác lần đầu tiếp xúc với hài cốt liệt sỹ, Nguyễn Hiếu Thi kể: Đó là vào khoảng tháng 11/2016, sau 4 ngày bắt đầu công tác tìm kiếm trên địa bàn Campuchia, em cùng các đồng đội lần đầu tiên đã phát hiện được mộ hài cốt liệt sỹ. Lần đầu tiên tiếp xúc với hài cốt, em và người đồng đội Nguyễn Thế Giang không khỏi bỡ ngỡ, run rẩy khi bóc lớp tăng quấn hài cốt người liệt sỹ vô danh. Được sự hướng dẫn của chỉ huy đội, em và đồng đội đã cùng động viên nhau coi liệt sỹ như người thân của mình, gạt đi nỗi sợ bản năng, hoàn thành việc cất bốc hài cốt một cách gọn ghẽ.
Đưa tiễn các liệt sỹ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nơi an nghỉ trên đất mẹ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đã tham gia hai đợt quy tập mộ liệt sỹ tại Campuchia, chiến sỹ Đào Việt Thắng, Đội K72 chia sẻ: Chuẩn bị đi làm nhiệm vụ, chúng em được chỉ huy đơn vị hướng dẫn, chỉ bảo rất cặn kẽ các kỹ năng cần phải có như đào đất, phối hợp với đồng đội làm sao cho nhuần nhuyễn cũng như làm quen với môi trường, phong tục tập quán của nước bạn. Anh em chiến sỹ xác định rõ tinh thần, đoàn kết và giữ gìn sức khỏe thật tốt để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài ở môi trường khắc nghiệt tại Campuchia.
Đại tá Trần Văn Hợp, Đội trưởng Đội K70, đơn vị chuyên trách thuộc Cục Chính trị Quân khu 7, cho biết: Sau khi được phân về các đội K, các chiến sỹ phải học tiếng Khmer, tìm hiểu, làm quen các phong tục tập quán người dân Campuchia và trải qua một thời gian huấn luyện đặc biệt. Một chương trình huấn luyện không hề có trong bất cứ loại giáo trình nào như tập cuốc, tập đào, tập thuốn đất tìm dấu vết hay tập định hướng, nhìn và ngửi đất tìm hài cốt...
Lý giải thêm về những kỹ năng người lính phải có, Đại tá Trần Văn Hợp cho biết: Do đặc thù làm việc trên đất bạn, nên phần lớn hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đều bằng sức người. Người chiến sỹ đi tìm mộ liệt sỹ phải biết cách cuốc đất sao cho nhanh, gọn, bền sức; cuốc đất, xúc đất trong phạm vi chật hẹp mà không để sót, không chạm vào di thể liệt sỹ. Đồng thời, phải biết cách nhìn đất, ngửi đất để biết khi nào sắp đến hài cốt.
Ngoài những trang bị cá nhân như tăng, võng, tư trang, dụng cụ y tế... các chiến sỹ còn mang theo những dụng cụ đặc dụng như cuốc chim, xẻng, xà-beng, thiết bị dò mìn, định hướng, thùng gánh nước, đèn bão, hương trầm, hoa hồi... Thiếu tá Phan Việt Phương, Đội trưởng Đội K72 – Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh Bình Phước, cho biết: Những người lính trẻ cũng sẽ được hướng dẫn về các chỉ dấu xác định hài cốt của liệt sỹ Việt Nam phân biệt với hài cốt của người dân, quân đội Campuchia; cách thu gom xương cốt người lẫn trong sỏi đá, chất tạp của đất; quy trình lấy mẫu lưu trữ ADN của liệt sỹ; cách thu gom, bảo quản, lưu giữ các di vật liệt sỹ.
Thích nghi với thời tiết khắc nghiệtTrên đường hành quân đi tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia, những người lính với nước da rám đen qua nhiều ngày dãi nắng và bàn tay chai sần vì cuốc đất trên những mảnh đất sỏi đá của Campuchia phải vượt qua vô vàn những khó khăn, nguy hiểm khác.