Tấm gương sáng suốt đời cống hiến của vị Cha già dân tộc và những lời dạy của Người đã là nguồn động lực to lớn để vị tướng năm nay đã 79 tuổi vẫn nỗ lực học tập, phấn đấu trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội, với nhân dân.
Hai lần gặp Bác và những ký ức không quên
Là một người kiệm lời khi nói về mình, nhưng Trung tướng Lê Thành Tâm rất hồ hởi khi kể về hai lần hiếm hoi ông cùng các đồng đội được vinh dự gặp Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội, một năm trước khi Người mất.
Năm 1959, khi mới 17 tuổi, chàng trai quê Hậu Giang Lê Thanh Tâm nhập ngũ. Trưởng thành qua những trận chiến đấu ác liệt, năm 1968, ông đã là Chính trị viên phó cấp Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7. Vào khoảng trung tuần tháng 6/1968, ông Tâm nhận lệnh triệu tập về Trạm 25 để chuẩn bị hành quân ra Bắc cùng một số Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ. Đoàn gồm 59 người, do ông Trần Văn Thành (Tư Thành), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, Quân khu 9 làm Trưởng đoàn. Ông Tâm được cấp trên giao làm Đoàn phó, Chính trị viên của Đoàn với nhiệm vụ động viên, giáo dục tư tưởng, hướng dẫn tuyên truyền, giới thiệu về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa cho anh em trong đoàn.
Tháng 7/1968, Đoàn các Anh hùng, Dũng sỹ Nam bộ bắt đầu lên đường ra Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn). Đó là những ngày tháng hành quân vất vả dù trở về với hậu phương lớn miền Bắc. Ban ngày, cả Đoàn hành quân hướng về miền Bắc, tối nghỉ tại các trạm giao liên trên đường Trường Sơn. Ròng rã hơn 1 tháng trời, cả Đoàn an toàn tới được Nghệ An và lên tàu hỏa ra Hà Nội. Ngày 30/8, những Anh hùng, Dũng sỹ miền Nam đặt chân xuống sân ga Hàng Cỏ (Hà Nội) với sự háo hức, hồi hộp và được cán bộ Tổng cục Chính trị đón đưa về nghỉ ngơi tại Trạm 66 (Nhà khách Bộ Quốc phòng tại Phan Đình Phùng). Nghỉ ngơi được hơn 1-2 ngày, cả đoàn xôn xao khi được chị Hồ Thị Bi (Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị) đến thăm, thông báo chuẩn bị vào Hội trường Ba Đình dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh và sẽ được gặp Bác Hồ.
Suốt cả ngày hôm sau, mọi người trong đoàn háo hức chuẩn bị trang phục chờ đến lúc được ra Hội trường Ba Đình. Khoảng hơn 18 giờ, cả đoàn có mặt tại Hội trường, hàng ngũ chỉnh tề và hồi hộp nhìn ra cửa phòng chờ đón Bác. Đúng 19 giờ, Bác Hồ bước vào trong trang phục màu trắng. Đi cùng Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả Hội trường đứng lên vỗ tay chào đón Bác và lẫn trong tiếng vỗ tay còn có cả tiếng khóc vì xúc động của các nữ chiến sỹ.
Bác khoát tay bảo mọi người ngồi xuống. Bác nói ngắn gọn: Hôm nay là ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9, biết có Đoàn Anh hùng, Dũng sỹ miền Nam ra Bắc, Bác đến thăm. Các cháu đã là anh hùng, dũng sỹ rất dũng cảm trên chiến trường mà sao cứ khóc mãi vậy. Mọi người nghe Bác nói thế càng không cầm được nước mắt, khóc hoài không thôi. Bác bảo có cháu nào có chuyện gì nói với Bác không. Kể chuyện chiến trường cho Bác nghe. Mọi người chưa ai kịp nói gì vì vẫn còn trong cơn xúc động thì có một em khoảng 11-12 tuổi (ở chiến trường khu 5 ra) đưa tay xin có ý kiến. Nhưng khi cho nói, em ấy lại nói rằng: Cháu không có chuyện, nhưng vì thấp bé nên không nhìn rõ Bác, nên xin được đứng lên để nhìn rõ Bác hơn. Bác vẫy lên và âu yếm ôm em bé, rồi trìu mến hỏi thăm. Hôm đó, Bác không khỏe nên chỉ dự khoảng 10 phút rồi ra về. Trước sự ân cần và tình cảm của Bác, mọi người ai cũng xúc động. Nhiều người đến khi lên xe trở về Trạm 66 vẫn còn rưng rưng nước mắt.
Sau đó, Đoàn cán bộ, chiến sỹ Anh hùng, Dũng sỹ miền Nam của ông Tâm được đưa Thanh Miện, Hải Dương an dưỡng trước khi đưa đi học ở các trường. Khoảng tháng 11/1968, khi còn ở Thanh Miện, bất ngờ ông Lê Thành Tâm và đồng chí Trần Văn Thành được gọi về Hà Nội để gặp Bác. Đoàn có khoảng hơn chục người, đều là các chiến sỹ người miền Nam, trong đó có chị Tạ Thị Kiều, Hồ Văn Mên, Trần Bá, Trần Đình… Lần này, ông Tâm và đồng đội được ăn cơm cùng Bác và cũng là lần ông Tâm được gần Bác nhất, bên Bác lâu nhất.
Trung tướng Lê Thành Tâm xúc động kể lại: Mâm cơm của Chủ tịch nước đãi rất giản dị. Có gà luộc, cá nấu chua, cá kho, rau muống luộc. Lúc đó, Bác yếu rồi nhưng vẫn hỏi thăm sức khỏe và tình hình ăn ở của mọi người. Bác nói: “Hôm nay, Bác đãi các cháu ăn cơm để chúc mừng các cháu ra ngoài này và chúc các cháu học giỏi. Đánh giặc giỏi thì làm gì cũng phải giỏi, học càng phải giỏi”. Mọi người xúc động vì được gặp Bác nên không ai để ý đến chuyện ăn uống. Bác thấy vậy liền chia cơm, thức ăn cho từng người và giục mọi người ăn thật no. Ăn cơm xong, tráng miệng bằng chuối tiêu. Bác chia cho mỗi người một quả. Có một quả nhỏ nhất Bác đưa cho Hồ Văn Mên (lúc đó mới 14 tuổi, Dũng sỹ diệt Mỹ) và nói: “Các anh chị lớn rồi, cống hiến nhiều rồi nên ăn quả to. Cháu có thành tích nhưng tuổi nhỏ hơn, cống hiến ít hơn các anh chị nên Bác chia cho cháu quả nhỏ”. Trước lúc tiễn mọi người trở về, dù không còn khỏe nhưng Bác lại thêm một lần dặn dò mọi người phải nỗ lực học hành cho thật tốt.
Suốt đời vì đồng đội, vì nhân dân
“Những điều vĩ đại về Bác, mọi người nói nhiều rồi. Nhưng quả thực, được gặp Bác mới thấy Bác thực sự vĩ đại. Bác có sự cuốn hút rất mạnh mẽ. Những hành động, câu nói của Bác rất giản dị, thân thương nhưng lại thể hiện một cốt cách của một lãnh tụ vĩ đại. Ấn tượng nhất về Người qua hai lần gặp đối với tôi đó là tình cảm bao dung, trìu mến dành cho những người con miền Nam, thể hiện tình thương vô bờ bến của Người đối với đồng bào miền Nam ruột thịt và sự tận tâm phục vụ cách mạng, vì nhân dân suốt cuộc đời của Người”, Trung tướng Lê Thành Tâm rưng rưng xúc động nhớ về hai lần gặp Bác.
Theo ông Tâm, khi tiếp Đoàn Anh hùng, Dũng sỹ miền Nam đến thăm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, 59 cán bộ, chiến sỹ miền Nam được đưa ra Bắc là ý kiến của Bác. Trước sự khốc liệt của chiến trường phía Nam sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, Bác đề nghị Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đưa một số cán bộ, chiến sỹ, Anh hùng, Dũng sỹ miền Nam ra hậu phương ngoài Bắc để cho đi học, nhằm giữ gìn những hạt giống đỏ cho cách mạng miền Nam.
Ghi nhớ những lời dạy của Bác, ông Lê Thành Tâm đã nỗ lực học tập, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong suốt quá trình công tác của mình. Tốt nghiệp lớp chuyên tu khóa 2 của Bộ Quốc phòng tại Học viện Chính trị tại Hà Nội, ông được giữ lại ở trường làm giáo viên. Năm 1974, ông Tâm quay trở lại miền Nam tham gia chiến đấu, rồi nhận nhiệm vụ làm phái viên Cục chính trị Miền cùng Quân đoàn 4 tham gia Mặt trận phía Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 2004, Trung tướng Lê Thành Tâm về hưu sau 11 năm là Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 7. Sau khi về hưu, dù tuổi đã cao, nhưng Trung tướng Lê Thành Tâm vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007-2016.
Năm 2013, từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước khuyến khích tiềm năng to lớn của lực lượng cựu chiến binh, Trung tướng Lê Thành Tâm đã đứng ra thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Bảo vệ Cựu Quân nhân Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích tạo điều kiện cho các cựu chiến binh tham gia làm kinh tế, tạo công ăn việc làm cho quân nhân xuất ngũ, người lao động là con em cựu chiến binh. Bên cạnh đó, Công ty sử dụng một phần lợi nhuận kinh doanh để làm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ các cựu chiến binh, người nghèo, người gặp khó khăn trên địa bàn Thành phố và các địa phương khác.
Trung tướng Lê Thành Tâm Tâm là người phát động phong trào “Lặng lẽ một tấm lòng” tại Công ty, kêu gọi cán bộ, nhân viên Công ty hỗ trợ các Hội Cựu chiến binh, Cựu chiến binh làm ăn kinh tế; xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… Sau hơn 6 năm hoạt động, Công ty Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh của Trung tướng Lê Thành Tâm đã thực hiện rất nhiều chương trình an sinh xã hội, nhân đạo với tổng số kinh phí trên 8 tỷ đồng.
Khi được hỏi về tuổi tác và sức khỏe có ngăn cản ông trực tiếp tham gia các hoạt động phong trào, Trung tướng Lê Thành Tâm cười tươi: “Cuộc đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân đến tận phút cuối đời của Bác là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Đã từ lâu nay, tôi đã luôn tự thầm hứa với Bác sẽ suốt đời học Bác tận tâm, tận lực trong công việc, vì lợi ích của nhân dân. Còn sức là còn làm việc, còn cống hiến”.
Bài cuối: Lời Bác vang vọng suốt đời làm nghệ thuật