Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng- Bài 1: Đưa thông tin kịp thời tới đảng viên

Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác Đảng. Nhiều địa phương, Đảng bộ Khối cơ quan và Khối doanh nghiệp Trung ương đang thí điểm triển khai ứng dụng sổ tay điện tử, mang lại những kết quả bước đầu, tiến tới nhân rộng trong thời gian tới.

Bài 1: Đưa thông tin kịp thời tới đảng viên

Việc ứng dụng công nghệ để thông tin sinh hoạt chi bộ đã được các chi bộ Đảng cơ sở thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, do liên quan đến cơ chế an toàn thông tin nên việc ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử bước đầu đã khắc phục hạn chế trên khi cập nhật văn bản nghị quyết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cập nhật thông tin nhanh hơn và góp phần bảo mật thông tin theo đúng quy định.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng

Ghi nhận tại sinh hoạt chi bộ tại một số địa phương cho thấy, trước khi sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử, để phổ biến thông tin, các chi bộ tại địa phương thường sử dụng zalo để thông báo thông tin. Tuy nhiên, việc truyền thông tin trên ứng dụng xã hội tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin.

Từ thực tế đó, Nghị quyết 21/-NQ/TW tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh: "Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng, công tác quản lý đảng viên và sinh hoạt đảng phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bảo đảm đồng bộ, liên thông trong toàn Đảng".

Hiện cả nước đã có 15 Đảng bộ các tỉnh thành sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong công tác phổ biến thông tin và quản lý đảng viên. Là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” từ tháng 2/2022, đến cuối tháng 10/2023, tỉnh Yên Bái đã có có gần 49.000 đảng viên tạo tài khoản sổ tay đảng viên điện tử, đạt gần 83% số đảng viên đã khảo sát.

Chú thích ảnh
Các đảng viên tại một chi bộ tại tỉnh Yên Bái nghiên cứu tài liệu qua ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử". 

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Mạnh Hà cho biết, việc ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử" trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ giúp cấp ủy, chi bộ tra cứu, nắm bắt nghiệp vụ cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ, tiết kiệm chi phí trong việc chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt như thông báo thời gian, địa điểm, in ấn, cung cấp văn bản tài liệu đến đảng viên.

Sổ tay đảng viên điện tử kịp thời hỗ trợ đảng viên nghiên cứu, học tập các văn bản, tài liệu của Trung ương, của cấp ủy cấp trên; giúp cấp ủy theo dõi sát đến từng đảng viên trong học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương và của địa phương; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; tạo bước đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.

Về cơ sở, Chi bộ thôn Khe Gầy thuộc Đảng bộ xã Tân Hương, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) có 14 đảng viên, đã có 12 đảng viên đã sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ; hai đảng viên chưa sử dụng đều là cao tuổi, được miễn sinh hoạt, không sử dụng điện thoại thông minh.

Chú thích ảnh
Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" giúp các đảng viên có thời gian nghiên cứu trước tài liệu để chuẩn bị các ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng cho các buổi sinh hoạt Đảng. 

Bà Bùi Thị Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Khe Gầy cho biết, các đảng viên trong chi bộ cơ bản đều là người dân tộc thiểu số. Khi thực hiện sinh hoạt chi bộ trên nền tảng số, ban đầu, mọi người thấy khó khăn, ngại đổi mới. Qua tuyên truyền, hướng dẫn và trải nghiệm những tiện ích trên ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, các đảng viên đều thấy việc sử dụng tiện lợi, sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà không tốn thời gian, chi phí. "Trước đây, mỗi lần có nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng ủy cấp trên, đảng viên phải tập trung lại để cùng nhau học tập, nghiên cứu tại hội trường thôn hay trụ sở xã. Bây giờ, các nghị quyết, chỉ thị được cập nhật ngay và liên tục trên ứng dụng nên mọi người có thể học tập bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu”, Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi chia sẻ.

Trong khi đó, tại Hà Nội, tại chi bộ 10B, phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) có 146 đảng viên, trong đó được miễn sinh hoạt đảng là 44 đảng viên. “Độ tuổi trung bình chi bộ đảng là 70 tuổi nên khi triển khai Sổ tay đảng viên điện tử bước đầu cũng gặp khó do người có tuổi nên ứng dụng công nghệ chưa được nhanh nhạy. Chỉ có 14 người đang làm tại doanh nghiệp sinh hoạt tại chi bộ là thích ứng nhanh bởi cũng tiện theo dõi sinh hoạt đảng trông khi vẫn phải đi làm”, ông Nguyễn Văn Tuế, bí thư chi bộ 10B chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Tuế, Bí thư chi bộ 10B phường Trung Liệt đang cập nhật thông tin từ Sổ tay đảng viên điện tử.

Sinh hoạt chi bộ 10B được ấn định vào ngày mùng 4 hàng tháng, ông Nguyễn Văn Tuế thường nhắn tin thông báo chủ đề họp trên nhóm zalo. Sau đó, tại buổi sinh hoạt, ông Tuế phổ biến lại các văn bản, Nghị quyết để mọi người thảo luận. Sau khi kết thúc sinh hoạt chi bộ, ông Tuế lại note lại các ý chính để truyền đạt lại cho các đảng viên vắng mặt. “Vì lý do về an toàn thông tin theo quy định, nên không phải văn bản nào cũng đưa trên zalo. Tuy nhiên, từ khi dùng sổ tay đảng viên điện tử, thông tin về Nghị quyết được cập nhật kịp thời. Kết quả buổi sinh hoạt chi bộ Đảng, tôi tải lên app Sổ tay để mọi người cùng theo dõi, đông thời cũng tiện cho đảng viên miễn sinh hoạt và đảng viên đang làm tại doanh nghiệp bận có thể theo dõi được nội dung họp chi bộ”, ông Nguyễn Văn Tuế chia sẻ.

Thôn Bãi Thuỵ (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có 117 đảng viên, trong đó có 39 đảng viên được miễn sinh hoạt đảng và 7 đảng viên làm việc tại doanh nghiệp, nhưng sinh hoạt đảng tại địa phương.

Dù chưa đến lịch sinh hoạt chi bộ định kỳ, song đảng viên Nguyễn Văn Yến, 80 tuổi, Chi bộ thôn Bãi Thuỵ, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã có thể nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết sẽ được triển khai trong buổi sinh hoạt tới. Do có thời gian nghiên cứu trước, khi sinh hoạt, ông có thể phát biểu xây dựng ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Điều này có được nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” được đăng trước đó gần 20 ngày. Sau khi nghiên cứu nội dung sinh hoạt Đảng, ông Yến gọi điện cho Bí thư chi bộ đề nghị thêm một số chủ đề quan tâm vào trong sinh hoạt chi bộ Đảng.

Ông Nguyễn Văn Yến cho biết: “Trước đây, tôi chỉ biết chủ đề sinh hoạt chứ không nắm được nội dung cụ thể. Muốn biết thì phải gọi điện hoặc lên mạng đọc báo, nghe đài. Nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, các đảng viên trong chi bộ sẽ có thời gian nghiên cứu trước nội dung buổi sinh hoạt từ đó chuẩn bị ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng".

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Bí thư chi bộ thôn Bãi Thuỵ cập nhật chủ đề sẽ họp chi bộ trong tháng tới để đảng viên nghiên cứu trước thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Bí thư chi bộ thôn Bãi Thuỵ cho biết: “Tuổi bình quân của đảng viên tại chi bộ là 58 tuổi, trong đó có 47 đảng viên từng công tác trong quân đội nghỉ hưu. Còn lại là đảng viên nông thôn gắn với công việc đồng áng. Chi bộ sinh hoạt định kỳ ngày 3 hàng tháng để mọi người dễ nhớ và tạo thành thói quen. Sau đó, việc nhắc lịch và một số công việc , liên lạc qua app zalo. Cũng tuỳ thói quen, mọi người lại dùng phương pháp gọi điện hoặc qua nhắc nhau nếu gần nhà”.

Tăng tiện ích

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Hoàng Minh Tiến cho hay, thay vì trước đây phải in, sao chụp văn bản, tài liệu của đảng để chuyển theo cấp, từ cấp ủy cấp trên xuống cấp ủy cấp dưới, sau đó xuống các chi bộ nhằm phổ biến trong các buổi sinh hoạt, hiện nay, mỗi đảng viên đều có thể tiếp cận và nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị ý kiến trước cho cuộc họp. Hiện nay, phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử Yên Bái” còn triển khai đến phiên bản cho phép đảng viên có thể nghe giọng nói từ máy với những nghị quyết được phổ biến, tiện ích này hỗ trợ đảng viên cao tuổi sinh hoạt nơi cư trú, khi việc đọc trên máy điện thoại còn hạn chế.

Với quyết tâm từng bước "số hóa" công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 28/10/2022 về sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình Nguyễn Dũng Giang, sau thời gian triển khai ứng dụng nền tảng số cho thấy, việc ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” vào sinh hoạt cấp ủy, chi bộ từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo chủ trương của tỉnh, của huyện.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, 100% tổ chức Đảng, 95% đảng viên trở lên trong toàn tỉnh được triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái", trong đó, các đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được cài đặt và sử dụng thành thạo; duy trì từ 90% đảng viên trở lên sử dụng hiệu quả ứng dụng, đảm bảo theo mục tiêu của Đề án 11.

Chú thích ảnh
Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ 10, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, Ban tham mưu giúp Tỉnh ủy tập trung vào 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tới toàn thể đảng viên, nhân dân nhận thức được lợi ích tích cực từ việc sử dụng nền tảng số; thực hiện có hiệu quả phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, nhất là đảm bảo duy trì phần mềm hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đảng viên trong truy cập thường xuyên.

Đồng thời, tỉnh Yên Bái đảm bảo thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là tại nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố; triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo các quy định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trước mọi nguy cơ mất an toàn thông tin mạng.

Có thể thấy, hiệu quả bước đầu trong thực hiện "số hóa” công tác Đảng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và nhận thức của đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Từ những tiện ích mang lại, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục nhân rộng việc thực hiện mô hình này trong toàn Đảng bộ tỉnh. Mô hình được thực hiện tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm của Yên Bái trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, từng bước thực hiện số hóa nghiệp vụ công tác Đảng, để sổ tay đảng viên điện tử là kênh thông tin hữu ích, gần gũi của mọi đảng viên.

Ông Kim Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cho biết: “Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử của tỉnh đang được Công ty cổ phần Công nghệ AISoft phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái phát triển. Nền tảng số được sử dụng trên website: dangvien.yenbai.gov.vn trên thiết bị máy tỉnh và thiết bị điện thoại thông minh hệ điều hành IOS và Android.

Về khó khăn trong triển khai tại một tỉnh miền núi như Yên Bái, ông Kim Mạnh Cường cho biết: "Các huyện vùng cao như Trạm Tấu và Mù Cang Chải nhiều đảng viên không biết tiếng phổ thông, không có mạng tại các nhà văn hóa, máy tính cấu hình thấp. Đa số các chi bộ/đảng bộ còn đang lúng túng và chưa hình dung được sẽ đăng tải các nghị quyết, văn bản liên quan đến cuộc họp vì chưa có hướng dẫn cụ thể; Chưa có quy chế, quy định về việc sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt đảng".

Trong quá trình sử dụng, các cấp ủy viên, đảng viên cao tuổi do không thành thạo sử dụng thiết bị điện thoại thông minh, nên gặp nhiều khó khăn. Một số chi bộ nông thôn và một số đảng viên chưa có điện thoại thông minh, nên cũng ảnh hưởng tới kết quả biểu quyết và kết quả chấm điểm trong sinh hoạt chi bộ.

Còn tại Hà Nội, với cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, nên dù mới triển khai từ đầu năm 2023, nhưng việc hoàn thành cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử đã đạt tỷ lệ cao. Đơn cử như tại huyện Đan Phượng, thực hiện Kế hoạch số 121-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về Triển khai và ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội; ngay sau khi được Ban Thường vụ Thành ủy tập huấn sử dụng phần mềm rộng rãi, Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng ban hành kế hoạch số 98-KH/HU ngày 7/2/2023 về việc triển khai và ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” thuộc Đảng bộ huyện và phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”.

Ông Nguyễn Tiến Toàn, Trưởng Ban Tổ chức huyện uỷ Đan Phượng cho biết, đến nay, phần mềm sổ tay đảng viên điện tử có 6545 tài khoản, đạt khoảng 98,9%. Sổ tay đảng viên điện tử hỗ trợ đảng viên nghiên cứu các văn bản, tài liệu của Trung ương, của cấp ủy cấp trên; phần mềm giúp cấp ủy theo dõi đến từng đảng viên trong tham gia sinh hoạt chi bộ, học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương và của địa phương; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên.

Khi sử dụng phần mềm, các đảng viên trong chi bộ sẽ có thời gian nghiên cứu trước các nội dung buổi sinh hoạt từ đó chuẩn bị ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng.

Công tác đăng tin tức chính thống trên phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử luôn được Huyện ủy quan tâm, chỉ đạo. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 1606-QĐ/HU, ngày 1/3/2023 về việc thành lập Ban Biên tập tin, bài Sổ tay đảng viên điện tử thuộc Đảng bộ huyện Đan Phượng. Đến cuối tháng 10, huyện uỷ đã đăng tải 264 tin bài liên quan đến các hoạt động nổi bật của huyện, đăng tải một số nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thông tin nội bộ. Nội dung các tin bài ngắn gọn, xúc tích, phản ánh kịp thời, chính xác các hoạt động nổi bật của đảng bộ, chính quyền huyện; cung cấp các thông tin hữu ích về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Huyện; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, người tốt việc tốt trong phát triển kinh tế, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…

Theo thống kê từ Ban tổ chức Thành uỷ Hà Nội, sau hơn 4 tháng thực hiện việc triển khai, ứng dụng phần mềm bước đầu đạt kết quả tích cực đến trung tuần tháng 4/2023, trong tổng số hơn 472.000 đảng viên, số cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử đạt trên 92%, vượt hơn 2,57% so với số đảng viên đủ điều kiện. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, triển khai phần mềm trên là việc mới và khó khi Đảng bộ thành phố Hà Nội có đông đảng viên và sinh hoạt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nên việc triển khai, vận hành phần mềm đã đạt nhiều kết quả tích cực phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Việc triển khai nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử" và số hóa nghiệp vụ công tác Đảng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, nhận thức cho đội ngũ đảng viên

Để duy trì chất lượng, hiệu quả của ứng dụng, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì rà soát kiến nghị của các đơn vị, trong đó có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức, nội dung, phương pháp đăng tin, bài trên ứng dụng một cách kịp thời, đúng quy định. Đối với các đơn vị, sớm rà soát lại các trang thiết bị cần mua sắm phục vụ hoạt động để ứng dụng thực sự “đúng, đủ, sạch, sống”, là kênh thông tin hữu ích, gần gũi của mọi đảng viên.

Bài 2: Khởi động từ cơ quan Đảng

Bài, ảnh: Xuân Cường – Việt Dũng/Báo Tin tức
Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng - Bài cuối: Nên có hướng dẫn tiêu chuẩn chung về sổ tay đảng viên điện tử
Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng - Bài cuối: Nên có hướng dẫn tiêu chuẩn chung về sổ tay đảng viên điện tử

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng rộng rãi và sâu rộng, chuyển đổi số trong trong công tác Đảng cũng không nằm ngoài xu thế chung của xã hội. Một số tỉnh thành đã triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, một số doanh nghiệp, cơ quan cũng đã triển khai thử nghiệm để Đảng uỷ cấp trên có thể nhận diện được những khó khăn trong quá trình triển khai. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, một trong ba tác giả cuốn sách Hỏi đáp về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN