Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng - Bài cuối: Nên có hướng dẫn tiêu chuẩn chung về sổ tay đảng viên điện tử

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng rộng rãi và sâu rộng, chuyển đổi số trong trong công tác Đảng cũng không nằm ngoài xu thế chung của xã hội. Một số tỉnh thành đã triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, một số doanh nghiệp, cơ quan cũng đã triển khai thử nghiệm để Đảng uỷ cấp trên có thể nhận diện được những khó khăn trong quá trình triển khai. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, một trong ba tác giả cuốn sách Hỏi đáp về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Ông đánh giá thể nào về công tác chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác Đảng hiện nay, thưa ông?

Cách đây 2 - 3 năm, nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không ai mô tả chính xác và quy mô như thế nào. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã định hình tương đối rõ nét theo 2 hướng: Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi số. 

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, một trong ba tác giả cuốn sách Hỏi đáp về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Từ góc độ chỉ đạo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngay tên của Nghị quyết cũng thể hiện các chủ trương, biện pháp chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết 52 đặt vấn đề và khẳng định quyết tâm chính trị lớn.

Đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng khẳng định rõ nội hàm cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư đã khẳng định, chuyển đổi số là phương thức mới, hiệu quả để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do đó, về các nghị quyết của Đảng, có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước nhận thức sớm và sâu sắc tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần này và khẳng định Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện. Đây là cuộc cách mạng của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Đảng đã nhận diện đúng vấn đề, đúng tình hình và có biện pháp quyết liệt. Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nhiều địa phương hiện đã đi đầu chuyển đổi số, do các đồng chí Bí thư chủ trì và trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển đổi số địa phương.

Trong bối cảnh các cấp chính quyền và người dân hoạt động trong môi trường số nhiều hơn và khi chính quyền với người dân tương tác trên môi trường số, công tác Đảng cũng cần chuyển đổi số để nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo.

Trước đây, khi muốn phổ biến các Nghị quyết từ Trung ương tới cơ sở, cấp trên phải cử những cán bộ tuyên huấn truyền đạt tại các hội nghị và xuống từng cấp chi bộ, nên quá trình mất nhiều thời gian. Hiện nay, với phương tiện công nghệ phát triển, Nghị quyết của Đảng có thể lan tỏa đến từng đảng viên nhanh chóng. Nếu không tận dụng môi trường số để tổ chức công tác Đảng, hoạt động của Đảng trên môi trường số, đây sẽ là bất cập lớn. 

Một số địa phương và doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng Sổ tay điện tử điện tử, nhưng tính năng chưa nhiều và chưa thể thay thế văn bản giấy, thiếu sự liên kết, liên thông dữ liệu, một phần do yếu tố an toàn thông tin. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác Đảng là một quá trình và quá trình nào cũng có khó khăn. Khi lên môi trường số sẽ có câu chuyện về an ninh, an toàn, bảo mật.

Chú thích ảnh
Đảng viên tại Yên Bái nghiên cứu các văn bản của Đảng qua ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử.

Chuyển đổi số dựa trên kết nối số. Chúng ta thu thập và truyền bá thông tin tốt trên môi trường số, nhưng khi chúng ta kết nối số cũng sẽ có những kẻ xấu xâm nhập. Vậy cũng giống như trong xã hội thực, không cần phải có kẻ trộm, các nơi đều có người bảo vệ và các giải pháp để bảo vệ như lắp camera, lắp khoá….

Câu chuyện này giống việc đi trên đường cao tốc, sẽ xuất hiện những yếu tố nguy hiểm, nhưng không  vì thế mà không đi đường cao tốc, cần có biện pháp thích hợp đảm bảo an toàn giao thông. Chuyển đổi số cũng vậy, đây là quá trình khó khăn.

Cho nên, một số Đảng bộ địa phương và đảng uỷ, cấp ủy doanh nghiệp bắt đầu sử dụng sổ tay đảng viên điện tử như bước đầu khởi đầu. Mỗi đảng viên khi cài đặt ứng dụng có thể truy cập, cập nhật các thông tin về nghị quyết, hoạt động của Đảng, tham gia sinh hoạt Đảng thông qua môi trường số. Từ việc sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử, các đảng viên trong chi bộ sẽ được kết nối với nhau, để các chi bộ trong đảng bộ có thể kết nối với nhau, chia sẻ thông tin, những ý kiến về Nghị quyết của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng… Đây là xu thế hiện nay. 

Thực tế triển khai tại địa phương và Đảng uỷ một số doanh nghiệp kiến nghị sớm có khung pháp lý cho sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về thể chế. Với chính quyền đó là quy định luật pháp và các văn bản dưới luật đang được hoàn thiện. Còn với công tác Đảng là các quy định, điều lệ Đảng. Khi triển khai phương thức mới, chúng ta cũng phải sửa đổi cho kịp thời trước khi nhân rộng. Trước đây, các đảng viên chỉ sinh hoạt với nhau trong môi trường thực. Chúng ta muốn mở rộng ra sinh hoạt trên môi trường số để lưu truyền, thông tin những chỉ thị của Đảng nhanh hơn.

Để triển khai, cần phải có hành lang pháp lý quản lý về môi trường số, cơ quan Đảng sẽ phải xây dựng các quy định có liên quan khi chuyển đổi số trong công tác Đảng, cụ thể là Sổ tay đảng viên điện tử. Đơn cử, khi có bản điện tử thì thôi bản giấy. Việc này cũng giống cải cách hành chính bên dịch vụ công trực tuyến phía chính quyền đang triển khai. 

Trong quá trình sử dụng thử nghiệm, ngay những phần mềm, ứng dụng đang triển khai cũng chưa hoàn hảo, nên vừa làm, vừa chỉnh sửa theo yêu cầu. Từ góp ý cơ sở, những ứng dụng sẽ được hoàn chỉnh dần.

Là chuyên gia chuyển đổi số, theo ông nên có giải pháp nào để thống nhất và liên thông dữ liệu từ Sổ tay đảng viên điện tử trong cả nước?

Đây là quá trình thử nghiệm, nên mỗi nơi đang triển khai một cách khác nhau. Chuyển đổi số thì dữ liệu là trung tâm, chứ không phải phần mềm. Do đó, chủ đề của năm 2023 được xác định là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

Muốn sử dụng được dữ liệu, quan trọng nhất phải có sự thống nhất. Ví dụ, một đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ tỉnh này sang tỉnh khác, khi đồng nhất về dữ liệu sẽ thuận lợi khi chuyển dữ liệu và thủ tục. Ngay như trong bộ máy hành chính Nhà nước, việc liên thông dữ liệu trong thời gian gần đây gặp khó giữa các đơn vị vì dữ liệu không đồng bộ.

Để việc triển khai đồng nhất về dữ liệu sổ tay đảng viên có thể triển khai theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là thiết kế và sử dụng thống nhất một ứng dụng từ Trung ương cho toàn quốc. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sử dụng đường truyền dung lượng lớn và liên quan đến vấn đề bảo mật, an toàn thông tin.

Hướng làm thứ hai là mỗi địa phương hoặc khối doanh nghiệp làm một Sổ tay đảng viên điện tử. Phương án này không kinh tế, không đồng đều khi triển khai, nhưng sẽ phát huy tính sáng tạo địa phương. Tuy nhiên, với phương án này, cơ quan Đảng cấp Trung ương sớm quy định chuẩn dữ liệu thống nhất để các địa phương triển khai. Phương án này bên cạnh quy chuẩn chung sẽ phát huy tính đặc thù địa phương và sự sáng tạo.

Thực tế, nhiều đảng viên và nhiều chi bộ đã sử dụng zalo để truyền thông tin và ứng dụng công cộng này không phải tập huấn sử dụng hay hướng dẫn mà người dân vẫn cài và sử dụng rất phổ biến. Nguyên nhân bởi tính tiện ích và dễ sử dụng của ứng dụng công cộng này. Do đó, việc sử dụng ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử cũng phải tiện lợi và dễ sử dụng như một số ứng dụng công cộng mới thu hút đảng viên sử dụng. Quan trọng nhất là sự tương tác, cập nhật thông tin.

Do liên quan đến yếu tố sở hữu dữ liệu, an toàn thông tin nên hoạt động cơ quan, doanh nghiệp vẫn phải dùng ứng dụng riêng. Công tác Đảng cũng vậy, vẫn phải có ứng dụng riêng như sổ tay đảng viên điện tử để dữ liệu nằm tại Việt Nam, chứ không thể sử dụng ứng dụng cộng cộng. Tuy nhiên, tinh tiến ích của những phần ứng dụng công cộng đang phổ biến là những tính năng cần được học tập khi triển khai tại Sổ tay đảng viên điện tử.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Cường (thực hiện)
Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng - Bài cuối: Nên có hướng dẫn tiêu chuẩn chung về sổ tay đảng viên điện tử
Chuyển đổi số tạo phương thức mới trong sinh hoạt chi bộ đảng - Bài cuối: Nên có hướng dẫn tiêu chuẩn chung về sổ tay đảng viên điện tử

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng rộng rãi và sâu rộng, chuyển đổi số trong trong công tác Đảng cũng không nằm ngoài xu thế chung của xã hội. Một số tỉnh thành đã triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, một số doanh nghiệp, cơ quan cũng đã triển khai thử nghiệm để Đảng uỷ cấp trên có thể nhận diện được những khó khăn trong quá trình triển khai. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, một trong ba tác giả cuốn sách Hỏi đáp về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN