Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Phát huy tinh thần tương trợ “lá lành đùm lá rách”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA) đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Hỗ trợ gia đình nạn nhân

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, chất độc da cam/điôxin khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật...

Đại diện Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN trao quà cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách để chăm sóc sức khỏe nạn nhân, phục hồi môi trường sinh thái. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công; hơn 50% số hộ có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí...

Đơn cử như trường hợp gia đình bà Ứng Thị Thanh Tâm (sinh năm 1954) ở xã Hiền Giang (huyện Thường tín, Hà Nội) có chồng là ông Hoàng Văn Huê, thương binh hạng 1/4, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Do gia đình có 2 con và chồng bị nhiễm chất độc da cam, bệnh tật triền miên nên gia đình xếp hộ nghèo đói. “Khi Nhà nước có chính sách cho người bị nhiễm chất độc da cam, chồng và 2 con tôi đã được hưởng trợ cấp hàng tháng; giúp tôi có thêm tiền mua thuốc cho chồng, con và đỡ được một phần kinh tế, gia đình nhờ đó cũng bớt khó khăn”, bà Tâm chia sẻ.

Tuy vậy, theo thống kê của VAVA, hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh... “Do đó trong thời gian tới, VAVA tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng hữu quan xem xét giải quyết các chế độ chính sách với người có công đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam”, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.

Đa dạng hình thức vận động

VAVA đã làm tốt công tác tuyên truyền, đối ngoại để huy động cộng đồng cùng chung tay doa dịu nỗi đau da cam. Điển hình như hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đà Lạt. Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố Đà Lạt cho biết: “Để có nguồn quỹ chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, tôi đã liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền đặt các thùng tiền nhân đạo ở các địa điểm khu du lịch và những nơi công cộng. Mới đầu, chúng tôi đặt thí điểm ở Khu du lịch Dinh III, sau hơn một tháng thu được hơn 3,2 triệu đồng. Từ đó, Hội xác định đây là hướng đi đúng đắn để mọi người trong cộng đồng xã hội cùng “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Hội đã đặt thêm 32 thùng tiền nhân đạo nữa. Bình quân mỗi tháng Hội thu từ 15 đến 20 triệu đồng. Tổng thu các thùng tiền nhân đạo cho đến thời điểm này là hơn 910 triệu đồng”.

Từ khi có nguồn quỹ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Đà Lạt tổ chức các hoạt động chăm lo cho các hội viên, nhất là các hội viên có hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật nặng. “Ban chấp hành xuống từng hộ gia đình hội viên khảo sát cuộc sống để có kế hoạch hỗ trợ và giúp đỡ thường xuyên. Trong 5 năm qua, Hội đã thăm hỏi giúp đỡ 1.400 lượt hội viên với tổng số tiền 560 triệu đồng”, ông Lê Ngọc Sơn chia sẻ.

VAVA cũng tiếp nhiều đoàn nhà báo đến từ Đức, Anh, Nhật Bản tuyên truyền về nạn nhân da cam Việt Nam. Do làm tốt công tác đối ngoại, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam với số tiền hơn 1,64 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, các cấp hội VAVA đã vận động được hơn 911 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền).

“Nguồn quỹ trên được dùng hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam như xây dựng 24 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở tỉnh, thành; trợ cấp việc làm cho gần 500 nạn nhân; xây mới và sửa chữa (chủ yếu là xây mới) 1.582 nhà; cấp 3.337 suất học bổng; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 78.000 lượt và tặng quà ngày lễ, Tết... cho nạn nhân. Thời gian tới, VAVA tiếp tục đa dạng hóa các hình thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, ưu tiên các hình thức mang tính bền vững”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, chủ tịch VAVA cho biết.

XC
Hà Nội thành lập Trung tâm nuôi dưỡng, điều trị cho nạn nhân da cam
Hà Nội thành lập Trung tâm nuôi dưỡng, điều trị cho nạn nhân da cam

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 12/7, ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Trung tâm nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân chất độc da cam sẽ chính thức đi vào hoạt động tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN