Đưa chính sách đến gần hơn với thanh niên
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Việt Nam là một quốc gia bị tổn thương cao bởi biến đổi khí hậu, trong khi đó sự phát triển của nền kinh tế lại vẫn đang bị chi phối mạnh bởi nhiên liệu hóa thạch. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu giảm khí thải nhà kính, so với kịch bản thông thường tăng từ 8% lên 9% bằng nội lực và tăng từ 25% lên 27% nếu có sự hỗ trợ quốc tế (Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020). Hiện nay, các hành động khí hậu của Việt Nam đang ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu và dần chuyển dịch sang những giải pháp đồng lợi ích về thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính..
Để thực hiện được các mục tiêu, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng, trong đó thanh niên đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi hành động của các bạn trẻ góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế-xã hội sang hướng các-bon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhìn nhận sự tham gia của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, từ góc độ là những đơn vị làm chính sách, lập ra những chiến lược quốc gia cũng như những chương trình hành động cụ thể, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc tham gia của thanh niên vào trong những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là những hoạt động trước mắt, mà cả những hoạt động lâu dài. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng làm việc với đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, những nhóm thanh niên quan tâm đến biến đổi khí hậu để thúc đẩy hoạt động, tăng cường đóng góp của thanh niên cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Phạm Văn Tấn, thanh niên có sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều và nên chọn thanh niên là điểm khởi đầu để lan tỏa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến tất cả mọi người trong xã hội.
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng, cho rằng hiện nay các hoạt động của thanh niên về ứng phó với biến đổi khí hậu rất đa dạng cả về chủ đề, thành phần tham gia và độ tuổi. Bên cạnh hệ thống đoàn thanh niên các cấp và hội sinh viên ở các tỉnh, thành phố, còn có các nhóm sinh viên tình nguyện. Các lực lượng này cần có sự đan chéo, phối hợp với nhau để các hoạt động mang lại hiệu quả.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, biến đổi khí hậu đã được giới trẻ quan tâm nhiều hơn trước kia, giới trẻ đã tiếp cận thông tin và hoạt động toàn cầu nhưng cần triển khai mạnh mẽ đối với các hoạt động ở các địa phương. Để các bạn trẻ trao đổi, chia sẻ, nhân rộng những mô hình hiệu quả và hơn nữa là đưa những chính sách đến gần hơn với sinh viên, học sinh.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Hiện nay, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Việt Nam đã nhanh chóng phê duyệt và triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris ngay sau khi được thông qua năm 2015. Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã nêu đậm nỗ lực quốc gia trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương thời gian tới. Đặc biệt, các cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2020.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, năm 2021 Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã và đang tiếp tục đồng hành với các tổ chức, triển khai những hoạt động liên quan đến thanh niên. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc có những hoạt động thiết thực, tạo ra nền tảng, kiến thức về biến đổi khí hậu, hay những giải thưởng cụ thể, khuyến khích, tạo động lực cho thanh niên tham gia vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có các dự án triển khai đến gần 40 tỉnh, thành phố, như các dự án về xây nhà chống bão lũ, trồng rừng ngập mặn, hỗ trợ sinh kế, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông minh, biến đổi khí hậu, trồng rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp… Thanh niên hoàn toàn có thể kết nối tham dự, đề xuất các sáng kiến khi tham gia các dự án.
Phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã dần trở thành các hành động thường xuyên, thói quen hàng ngày, hàng giờ và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Sự chuyển biến rõ rệt này chính là thành quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp thiết thực của các đoàn viên, thanh niên. Mỗi hành động, việc làm dù nhỏ nhưng có ý nghĩa giải quyết vấn đề lớn cho cả tương lai lâu dài.
Hằng năm, 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức ít nhất một hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đến nay đã triển khai thực hiện 200 công trình thanh niên cấp tỉnh, 1.600 công trình thanh niên cấp huyện về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng 250 nhà tránh lũ cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Trung.
Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả và xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động đoàn viên, thanh niên sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất thân thiện với môi trường, thực hiện xả thải đúng quy định, xây dựng các mô hình kinh tế xanh; hướng dẫn thành lập và duy trì các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các đội hình thanh niên xung kích tham gia làm sạch bờ biển, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người dân xử lý sự cố môi trường...
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên trên toàn quốc dưới nhiều hình thức; chú trọng đào tạo và xây dựng nhóm cán bộ đoàn chủ chốt ở các cấp để làm hạt nhân cho các phong trào thanh niên; khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ khó khăn với các dự án quy mô nhỏ ở các địa phương, chị Nguyễn Thị Thu Vân cho rằng: "Khi có ý tưởng dự án, các bạn trẻ có thể liên hệ với tổ chức Đoàn ở địa phương. Họ hoàn toàn có thể đại diện liên hệ làm việc với các bên liên quan và dựa trên quy mô cũng như tác động của dự án, họ sẽ dẫn dắt các bạn cần phải đề đạt đến những cơ quan, đơn vị nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao vị thế của Đoàn Thanh niên, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".