Nghị quyết 120 - Bài 1: Những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu

Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng này thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đạt kết quả tích cực.

Do vậy, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân và nhiều nguồn lực xã hội tham gia, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và  hiệu quả. Qua đó, nhiều dự án công trình xây dựng phát huy hiệu quả thiết thực cho tỉnh nói riêng và vùng châu thổ sông Cửu Long nói chung trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN

Bài 1: Những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu

Một trong những vấn đề quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long của tỉnh Kiên Giang là tập trung nguồn lực đầu tư những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Vì vậy, tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống 22 cống thủy lợi trên đê biển Tây đoạn Hà Tiên - Rạch Giá từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng phía bắc Quốc lộ 80 (Rạch Giá - Hà Tiên). Các dự án công trình cống thủy lợi quy mô lớn xây dựng trên địa bàn thành phố Rạch Giá đã thi công hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên và các vùng phụ cận như Cống sông Kiên, An Hòa, Kênh Cụt, Kinh Nhánh.

Tiếp đến, trên đê biển Tây đoạn từ sông Cái Lớn đến ranh giới tỉnh Cà Mau, tỉnh đã và đang thi công xây dựng 15 cống thủy lợi từ nguồn vốn Trung ương, địa phương và tiểu dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản hai huyện An Biên và An Minh, tỉnh Kiên Giang thuộc dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (MD-ICRSL). Mặt khác, dự án 18 cống thủy lợi trên truyến đê biển này đang triển khai thực hiện hoàn thành để tạo nên hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đồng bộ phục vụ yêu cầu vùng sản xuất trọng điểm U Minh Thượng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đang huy động nguồn lực cho 2 dự án xây dựng đê biển, đường giao thông dọc hành lang phía Tây đường ven biển, đoạn thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên khoảng 85 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 874 tỷ đồng; dự án xây dựng đê biển, đường giao thông dọc hành làng phía Tây đường ven biển, đoạn thành phố Rạch Giá đến ranh giới tỉnh Cà Mau khoảng 80 km, dự kiến tổng mức đầu tư 1.067 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh rà soát, quy hoạch thủy lợi trên địa bàn có tính đến điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã phê duyệt, tổng mức đầu tư thực hiện các công trình trong quy hoạch hơn 19.500 tỷ đồng với nhiều dự án công trình đang triển khai thi công phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh Kiên Giang đã được Trung ương đầu tư, khởi công xây dựng hệ thống công trình cống ngăn mặn, giữ ngọt Cái Lớn - Cái Bé với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cống Cái Bé vận hành từ 5/2/2021, kịp thời phòng, chống hạn mặn, kiểm soát trên 20.000 ha đất nông nghiệp và tỉnh tiết kiệm được chi phí đắp đập tạm ngăn mặn trong mùa khô.

Hiện nay, dự án công trình này đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành đồng bộ đưa vào vận hành, khai thác vào tháng 6/2021. Qua đó, tạo điều kiện trồng lúa, nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên, với tổng diện tích tự nhiên 384.120 ha.

Chú thích ảnh
Rừng mắm phòng hộ ven biển ở xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai. Công trình góp phần giảm ngập úng trong mùa mưa lũ và thiệt hại do hạn mặn vào mùa khô cho sản xuất nông nghiệp trong vùng, cấp nước ngọt, phát triển hạ tầng giao thông, kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều công trình thủy lợi thi công hoàn thành đưa vào khai thác phát huy tác dụng tích cực trong ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất 3 vùng trọng điểm của tỉnh gồm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng và những khu vực lân cận.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng 117 hệ thống cống trên đê, hơn 2.700 km kênh mương được nạo vét, cải tạo, nâng cấp trên 600 công trình thủy lợi nội đồng theo quy hoạch và có 1.252 trạm bơm trên các vùng sản xuất. Hệ thống thủy lợi này cơ bản đồng bộ, hệ thống kênh thoát lũ dẫn ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu đáp ứng tưới tiêu, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định.

Đặc biệt, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn của vùng bán đảo Cà Mau và vùng Tây sông Hậu.

Cùng với đầu tư xây dựng những dự án công trình thủy lợi, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện các dự án trồng rừng ven biển và nhiều công trình phòng chống sạt lở đất ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn như dự án gây bồi tạo bãi trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái, huyện An Biên hoàn thành trồng mới 35 ha rừng; dự án gây bồi tạo bãi trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển từ xã Bình Sơn đến xã Bình Giang huyện Hòn Đất hoàn thành trồng mới 50 ha rừng; triển khai thực hiện các dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 - 2020 thích ứng với biến đổi khí hậu đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long của tỉnh Kiên Giang trên lĩnh vực đầu tư xây dựng những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể là nhu cầu đầu tư các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng nguồn vốn của địa phương không đáp ứng được. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…

Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường đầu tư ngân sách, ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu mang tính liên vùng, liên ngành; phân bổ vốn kịp thời để triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án trồng rừng, nhằm tăng khả năng phòng hộ của rừng ngập mặn ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài cuối: Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Lê Huy Hải (TTXVN)
Kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng, giải quyết bài toán tổng thể để kết nối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN