Kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng, giải quyết bài toán tổng thể để kết nối.

Theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.

Các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững.

Chú thích ảnh
Cầu Rạch Miễu kết nối Tiền Giang với Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Trong đó có tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang đã hoàn thành. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng, tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau)...

Chính phủ quan tâm đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi, dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1; hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau; cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu); dự án Tha La, cống Trà Sư (An Giang)...  Các dự án, công trình này bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

Các địa phương trong vùng cũng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng; xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng. Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…
 
Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ, đảm bảo người dân vùng ngập lũ được sống an toàn ổn định. Bốn tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng bổ sung 49 cụm tuyến dân cư (di dời khoảng 13.000 hộ dân) từ ngân sách địa phương. Tỉnh Tiền Giang triển khai xây dựng bổ sung 10 bờ bao khu dân cư có sẵn với tổng chiều dài 56,5 km. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát từ lòng sông để san nền từng bước được hạn chế thông qua việc ban hành 20 tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng.
 
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan, hỗ trợ nguồn lực, thiết bị bảo vệ môi trường. Quản lý chất thải rắn được tăng cường cùng với việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Dự án cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng, đảm bảo đủ công suất, chất lượng phục vụ mục tiêu an ninh về cấp nước, an sinh xã hội.
 
Nhằm tham mưu, đề xuất giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập kèm theo quy chế hoạt động. Cùng với đó là việc hình thành các Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh, Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long, tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực trong thời gian tới.
 
Để phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng. Vùng tập trung đầu tư các dự án kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn; đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.

Trong năm 2021, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung hoàn thành một số dự án liên quan đến hệ thống thủy lợi nhằm đáp ứng việc chuyển nước hợp lý giữa các vùng; các hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát mặn, phục vụ chuyển đối nông nghiệp bền vững theo vùng sản xuất.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Kết nối chuỗi sản xuất - Bài cuối: Tăng cường liên kết vùng
Kết nối chuỗi sản xuất - Bài cuối: Tăng cường liên kết vùng

Ban quản lý Khu công nghệ cao phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp – khu kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2019-2025, theo Quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 5/7/2019 của UBND thành phố. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN