Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch… với giải pháp quyết liệt nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Để chung tay cùng cả nước trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài 1: Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu
Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ, không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mà đã là thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thiên tai ngày một gia tăng cả về tần suất và cường độ, năm sau nặng nề hơn năm trước. Bên cạnh việc thực thi chủ trương, chính sách quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò, tạo điều kiện phát huy tốt nhất để tổ chức Đoàn các cấp và lực lượng thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
Sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) nằm trong khuôn khổ Chương trình “Lời hứa khí hậu” toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, hỗ trợ 115 quốc gia trong việc tăng cường các Đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) vào năm 2020.
Tại Việt Nam, sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao năng lực của thanh niên và các mạng lưới thanh niên hiện có, đẩy mạnh các hành động vì khí hậu của thanh niên ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy những đóng góp của Việt Nam.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm giảm phát thải, chung tay với thế giới ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiếng nói của thanh niên chưa hoàn toàn được đưa vào quá trình này.
Thanh niên chiếm 23% tổng dân số của Việt Nam và là lực lượng mạnh mẽ, tác nhân của sự thay đổi và có thể huy động gia đình, trường học, cộng đồng tham gia các phong trào giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, giảm phát thải, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong ứng phó biến đổi khí hậu. Họ cũng là những chủ thể quan trọng trong lộ trình vì một Việt Nam xanh, sạch hơn. Bằng cách trao quyền cho thanh niên, Việt Nam có thể mở ra những tiềm năng mới để thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia quyết định cho Việt Nam trong tương lai.
Đến nay, sáng kiến Youth4Climate đã giúp thanh niên Việt Nam xây dựng một bản Báo cáo Đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, trong đó nêu ra các thách thức, khó khăn mà thanh niên phải đối mặt; giới thiệu các chiến lược tham vọng do thanh niên tự xây dựng và phát triển, thúc đẩy các hành động vì khí hậu. Đặc biệt, Báo cáo sẽ truyền tải những sáng kiến, giải pháp sáng tạo của thanh niên trong 4 chủ đề chính: Thanh niên với các giải pháp dựa vào tự nhiên; thanh niên giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến Mục tiêu phát triển bền vững; chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định; đổi mới để giảm nhẹ khí thải nhà kính.
Cùng tham gia xây dựng một bản Báo cáo với những đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quá trình phát triển xanh, bền vững và hài hòa với thiên nhiên tại Việt Nam trong tương lai, sáng kiến đã tổ chức ba diễn đàn tham vấn thanh niên tại khu vực Bắc, Trung, Nam và Trại viết Báo cáo "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu" để trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về khí hậu và các bạn trẻ quốc tế đang hoạt động rất tích cực trong phong trào chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Chia sẻ từ những đại diện thanh niên tham gia xây dựng Báo cáo "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, với mong muốn cống hiến và trăn trở về hướng đi trong tương lai, Danh Bộ, 30 tuổi đến từ Bạc Liêu cho biết, thanh niên có lợi thế là trẻ tuổi, giàu năng lượng, ham học hỏi và muốn thể hiện mình. Thực tế là hiện giờ rất ít bạn trẻ gắn bó với công việc ruộng đồng, bởi lý thuyết nhiều nhưng để thực hành, rất khó. Họ cần rèn luyện thực tế nhiều hơn để hun đúc tinh thần vượt khó, chấp nhận thất bại, quyết tâm đi đến cùng với các ý tưởng của mình. Đó là những điều mà Danh Bộ muốn gửi gắm khi tham gia xây dựng Báo cáo Thanh niên Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Em Mai Hoàng, Trưởng nhóm báo cáo cho biết, những thách thức chung mà các bạn trẻ gặp phải là thiếu kỹ năng xây dựng, thực hiện các dự án biến đổi khí hậu, khó khăn hoặc không được tiếp cận các công nghệ mới, vướng mắc trong quá trình làm việc với các bên liên quan và thiếu tài chính duy trì dự án.
Nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của thanh niên, trong năm 2021, mạng lưới thanh niên tham gia sáng kiến Youth4Climate sẽ tổ chức sự kiện Hội nghị giả lập Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); tổ chức các tour trải nghiệm tập huấn kỹ năng và thành lập nhóm làm việc thanh niên về chính sách. “Tôi hy vọng báo cáo sẽ được chia sẻ rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe. Hơn nữa, với các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao năng lực của thanh niên trong việc lồng ghép các hành động đóng góp vào bản báo cáo Đóng góp do quốc gia quyết định”, Mai Hoàng chia sẻ.
Phát huy vai trò của thanh niên
Để mỗi bạn trẻ xem việc ứng phó với biến đổi khí hậu là hành động đẹp, là ý thức thường xuyên, liên tục, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng triển khai rộng khắp các chương trình, phong trào hoạt động với nhiều nội dung mới, sáng tạo, hiệu quả, tạo thành trào lưu tốt thu hút đông đảo thanh niên và xã hội tham gia bảo vệ môi trường.
Một số chương trình tiêu biểu đã và đang triển khai hiệu quả như: “Tết trồng cây”; “Vì một Việt Nam xanh”, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, ngăn chặn ảnh hưởng của tia cực tím, cải thiện sức khỏe con người tạo ra cơ hội kinh tế, cân bằng hệ sinh thái, làm cho đất nước xanh tươi, đặc biệt là tạo bóng mát phủ xanh trường học, thôn xóm, đô thị, vùng đất trồng, đồi trọc.
Từ năm 2016 đến nay, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động đã thu hút được 162.959 đoàn viên, thanh niên tham gia, duy trì 531 điểm hoạt động thường xuyên làm sạch bờ biển tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã tích cực cùng các cấp, các ngành liên tục tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và bầu khí quyển.
Nhiều phong trào, mô hình và hình thức hoạt động đã tạo được dấu ấn, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại cộng đồng dân cư. Trong đó có các chương trình Ngày hội “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa”; mô hình chợ dân sinh, chung cư, đảo thanh niên, thôn bản, văn phòng hạn chế rác thải nhựa; mô hình “Hành trình thứ 2 của chai nhựa - Tuyến đường Lít ánh sáng cho bản làng nông thôn mới” thắp sáng tuyến đường bằng đèn sử dụng năng lượng mặt trời được chế tạo từ vỏ chai nhựa đã qua sử dụng...
Tiến sỹ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu đến từ cộng đồng, các đoàn viên, thanh niên… Trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu chung, vai trò của thanh niên là rất quan trọng.
Năm 2020, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức chương trình “Thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu”, kêu gọi đoàn viên, thanh niên nghiên cứu và trang bị kiến thức khoa học sớm, đầy đủ nhất về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, về các giải pháp năng lượng tái tạo, các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng; thay đổi thói quen, lối sống theo hướng tiết kiệm năng lượng bất kể khi nào có thể…
Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên, những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp bộ Đoàn và thanh niên Việt Nam đã góp phần không nhỏ để hoàn thành mục tiêu số 13 “Hành động vì khí hậu” nói riêng và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung đến năm 2030.
Bài 2: Sáng tạo, nâng cao ý thức cộng đồng