Tham dự Diễn đàn tại các điểm cầu có đại diện cơ quan Nhà nước phụ trách thanh niên của các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ: Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đều đánh giá cao vai trò của thanh niên trong xây dựng, hội nhập và kết nối Cộng đồng ASEAN. Đây là nguồn nhân lực trẻ quan trọng của các quốc gia, sự kết nối giữa hiện tại và tương lai, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ năm 2011 đến nay, đây là lần thứ ba Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đối thoại Thanh niên ASEAN.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam đối với thanh niên, Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức Diễn đàn Đối thoại Thanh niên và Cộng đồng ASEAN năm 2020 nhằm tiếp tục phát huy vai trò xung kích, sức sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của quốc gia, khu vực và đề xuất ý tưởng về các chính sách liên quan nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh niên, người dân thuộc Cộng đồng ASEAN, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, tầm nhìn của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN vào năm 2025.
Diễn đàn cũng tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa thanh niên các nước ASEAN cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên; từng bước hoàn thiện cơ chế hợp tác, giao lưu thanh niên nhằm thúc đẩy việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên giữa các cơ quan liên quan của các quốc gia ASEAN.
Bà Rodora T.Babaran, Giám đốc phụ trách Phát triển nhân lực, Vụ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN thuộc Ban Thư ký ASEAN cho biết Ban Thư ký ASEAN đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đối thoại Thanh niên ASEAN trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19.
Với gần 220 triệu người, thanh niên chiếm 1/3 dân số ASEAN, bà Babaran cho biết, trong chiến lược hình thành Cộng đồng, thanh niên luôn đóng một vai trò quan trọng, ưu tiên trong xây dựng chính sách của khối và từng nước ASEAN. Mới đây, ASEAN đã xây dựng Kế hoạch hoạt động thanh niên ASEAN giai đoạn 2021-2025 với một hệ thống các Chỉ số phát triển thanh niên.
Theo bà Babaran, ASEAN là một cộng đồng trẻ, trong đó thanh niên là một nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý quan trọng trong tương lai, quyết định sự thịnh vượng của khối. Do đó, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên trong các ngành nghề khác nhau.
Bà Babaran chia sẻ, các ưu tiên chính sách liên quan đến thanh niên ở ASEAN được thể hiện qua các khía cạnh như tăng cường tinh thần khởi nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh sự tham gia của thanh niên vào giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cũng như nâng cao nhận thức về ASEAN trong thanh niên...
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng, thực thi các chính sách phát triển thanh niên để thanh niên đến từ các nước ASEAN có cơ hội đề xuất ý tưởng về các chính sách dành cho chính mình.
Các đại biểu trao đổi về ba nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất, thực trạng việc xây dựng và thực thi các chính sách thanh niên của mỗi nước ASEAN về giáo dục và đào tạo; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; khởi nghiệp và tạo việc làm bền vững đối với thanh niên; chính sách đối với thanh niên nhằm thúc đẩy hoạt động có tính xung kích, tình nguyện, vì cộng đồng xã hội và môi trường sống cũng như các chính sách đối với nhóm thanh niên yếu thế.
Nhóm vấn đề thứ hai là chia sẻ kinh nghiệm giải quyết và đề xuất các chính sách thanh niên của mỗi nước. Nhóm vấn đề thứ ba là những khuyến nghị về chính sách bảo đảm, tương đồng về quyền, nghĩa vụ của thanh niên giữa các quốc gia trong khu vực; các biện pháp nhằm phát huy tối đa sự tham gia của thanh niên trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; phát huy tính sáng tạo, đề xuất ý tưởng xây dựng chính sách pháp luật đối với thanh niên.