Chiều 6/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 6. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì cuộc họp.Vận chuyển vật tư phục vụ gia cố kè tại quận Đồ Sơn ứng phó cơn bão số 5. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
*Trên 49.000 tàu, thuyền được thông báo diễn biến cơn bão số 6 để chủ động phòng tránhTheo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 15h30 ngày 6/8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.131 phương tiện với 246.933 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có Công hàm gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội đề nghị tạo thuận lợi cho 32 tàu với 314 người của Việt Nam được tránh, trú bão tại đảo Hải Nam; đồng thời đề nghị hỗ trợ cứu nạn trong trường hợp tàu cá bị nạn hoặc gặp sự cố.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, đi dọc theo ven biển các tỉnh Trung Bộ. Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Tây Tây Bắc.
Cơn bão này có khả năng đi vào đất liền các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh. Thời gian bão đổ bộ vào đất liền sớm nhất khoảng 20 – 21h tối mai (7/8) và muộn nhất vào khoảng 3 – 4h sáng 8/8. Sau khi đi vào đất liền, bão số 6 sẽ suy yếu rất nhanh. Do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm mai đến ngày 9/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to, với lượng mưa trung bình khoảng 100 – 200mm, một số nơi có thể lên đến hơn 300mm.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 6 có thể gây ra, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 40/CĐ-TW ngày 6/8 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn. Đặc biệt, cần tiếp tục kiểm đếm, kêu gọi và hướng dẫn tàu, thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; một số khu vực cần thực hiện tiêu nước đệm để tránh ngập úng khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão trên đất liền, mọi công việc phải hoàn thành trước 18h tối 7/8.
* Hải Phòng sẽ dừng các cuộc họp, hoạt động du lịchChiều cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng, chống bão số 6. Thành phố tạm dừng các cuộc họp chưa thật cần thiết trong ngày 7/8 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng chống bão.
Từ 12 giờ ngày 7/8, Hải Phòng sẽ dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa, hoạt động vui chơi giải trí biển; các huyện Cát Hải, Bạch Long Vĩ, Đồ Sơn, Kiến Thụy... khẩn trương tổ chức sơ tán người già, trẻ em ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản. Điều động tàu CN09 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà từ 6 giờ ngày 7/8. Kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư khu vực chân đồi núi, mỏ đất đá tại huyện Thuỷ Nguyên, các quận Kiến An, Đồ Sơn, các công trình giao thông đang thi công.
Hải Phòng cũng đã huy động gần 37.000 người phòng chống bão lụt, hộ đê ứng trực sẵn sàng thực hiện biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra. Trong đó, lực lượng xung kích do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 7.335 người, 328 xe ôtô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp; lực lượng do Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng là 225 người, 14 tàu, 41 xuồng, 19 xe ôtô các loại.