Nằm bên tỉnh lộ 835, cách trung tâm huyện Cần Giuộc, Long An chừng 3km, chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, Cần Giuộc) nhìn bề ngoài cũng như hầu hết những ngôi chùa bình dị khác. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đây chính là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, và ngay chính tại nơi đây, nhà văn Nguyễn Đình Chiểu đã từng sống và viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hào hùng, cũng như hoàn thành nốt những chương đoạn cuối cùng của truyện thơ nổi tiếng Lục Vân Tiên.
Đến chùa Tôn Thạnh khi trời đã xế trưa, nắng chênh chếch từ phía tòa đại điện xuyên qua những hàng cây cao đổ bóng li ti xuống mặt đất, tôi cùng hòa thượng Thích Tôn Nhạn, 61 tuổi đi dạo quanh khuôn viên chùa. Hòa thượng Thích Tôn Nhạn cho biết, đây chính là ngôi chùa lâu đời nhất của tỉnh Long An, được xây dựng từ năm 1808, tức năm Gia Long thứ 7, do đại sư Viên Ngộ chủ trì.
Bia tưởng niệm cụ đồ Chiểu. |
Viên Ngộ là một vị đại sư mà từ nhỏ đã một lòng thành tâm hướng Phật với mong muốn cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Chuyện kể rằng, khi hoàn thành chùa Tôn Thạnh này, lúc đó chùa có tên là Lan Nhã, Viên Ngộ đã cho đúc tượng Địa Tạng Bồ Tát bằng đồng để thờ. Sau nhiều lần đúc mà tượng không hoàn thành do bị khiếm khuyết nên thiền sư Viên Ngộ liền cắt ngón tay út của mình cho vào nồi đồng đang nóng chảy để tượng đồng được viên mãn. Không những là một người từ bi bác ái với chúng sinh mà thiền sư còn nổi tiếng là người con hiếu thảo với cha mẹ. Dân trong vùng truyền nhau rằng, lúc đang tu ở chùa này thì cha Viên Ngộ bệnh nặng, thế là ông thề trước Phật đài sẽ ”trường tọa” 10 năm hòng mong cha kéo dài tuổi thọ. Không những thế, năm Minh Mạng thứ 20 dân trong vùng có dịch bệnh đậu mùa, ông bèn “trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc” để cầu cho chúng sinh qua cơn hoạn nạn. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì đây là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng”, nổi tiếng nhất của đất Gia Định khi xưa. Trải qua bao bom đạn chiến tranh, chùa đã không còn giữ nguyên vẹn được những nét đẹp ấy.
Dừng lại trước tấm bia tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, hòa thượng Thích Tôn Nhạn kể: ‘Từ năm 1859 đến 1861, cụ đồ Chiểu có đến lưu trú tại chùa. Bên ngoài cụ mang danh là mở lớp dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, nhưng thực chất cụ vẫn âm thầm làm thơ yêu nước, lãnh đạo nghĩa quân trong vùng, cổ súy khích lệ bà con chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Du, một trong ba cánh quân của ta xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đã đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Lang Sa khiến cụ đồ Chiểu cảm kích nghĩa khí anh hùng ấy mà viết lên áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với những câu thơ xúc động nói về chùa Tôn Thạnh này như sau:
Một góc chùa Tôn Thạnh ngày nay. |
Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm.
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Trong thời gian 3 năm sống dưới mái chùa này, nhà đại chí sỹ yêu nước còn dốc hết tâm huyết hoàn thành phần cuối của truyện thơ nổi tiếng Lục Vân Tiên.
Hiện nay, chùa Tôn Thạnh là một trong những điểm thu hút khách du lịch lý tưởng của tỉnh Long An sau khi đã chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) cấp giấy chứng nhận Di tích lịch sử Quốc gia (năm 1997). Theo các tăng ni phật tử tại đây thì hàng ngày đều có rất nhiều du khách đến chùa tham quan. Hầu hết du khách đều từ các địa phương khác của tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, TP.HCM... Với vị trí thuận lợi là nằm ngay tại tỉnh lộ 835 và cũng thuận đường quốc lộ 50 nên nhiều tour du lịch của các hãng lữ hành cũng đã đưa chùa Tôn Thạnh là điểm đến trong các chuyến hành trình.
Chùa cũng đã được chỉnh trang, tôn tạo với một quần thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng đạo, đông lang, tây lang… có lợp ngói âm dương rất bề thế. Tuy có việc chỉnh sửa như vậy nhưng các bức hoành phi, câu đối, những pho tượng phật quý hiếm có từ những năm đầu thế kỷ 19 vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Đây chính là minh chứng cho sự tồn tại vĩnh hằng với thời gian của ngôi chùa cổ này.
Đoàn Đại Trí