'Chưa biết sợ' bệnh nghề nghiệp

Xưởng cơ khí các thiết bị môi trường công nghiệp (Thanh Xuân, Hà Nội), có đủ các tạp âm của máy cắt, gò và mùi khét lẹt của sắt thép bị cắt, khiến nhiều người đứng tại xưởng một lúc đã thấy chóng mặt, ù tai. Thế nhưng những người công nhân thì ngày ngày vẫn làm việc trong môi trường đó.

Khám sức khỏe cho người lao động để phát hiện bệnh nghề nghiệp. Ảnh: CTV


Anh Nguyễn Văn Nam, một công nhân ở đây, cho biết: “Lĩnh vực cơ khí luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nên người lao động phải có ý thức chấp hành quy trình an toàn lao động và có thiết bị bảo vệ như quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay… Việc nhận biết nguy hại dựa trên kinh nghiệm như làm việc với cắt máy plasma có khói rất độc phải dùng khẩu trang phòng độc và bật quạt thông gió. Nếu không dùng thiết bị an toàn khi hít phải về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Còn anh Nguyễn Xuân Phê, công nhân hàn, đang kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp (216 Nguyễn Trãi) cho biết: “Làm nghề hàn công nghiệp bị tác động bởi ô nhiễm bụi, khí thải và ánh sáng chói mắt. Làm một thời gian, khi thấy mệt mỏi, khó thở, tôi đã đi khám sức khỏe  để tư vấn về cách phòng bệnh nghề nghiệp. Tại các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ, công tác bảo hộ để tránh bệnh nghề nghiệp còn chủ quan, làm theo kinh nghiệm. Trong khi làm nghề hàn hay bị ảnh hưởng của bụi và khí hàn, nếu không bảo hộ sẽ dễ suy giảm sức khỏe”.

Tổ chức y tế thế giới nhận định bệnh nghề nghiệp và nghỉ ốm thiệt hại nhiều hơn tai nạn lao động nhưng chưa có thống kê.

Tiến sĩ Phạm Hồng Lưu, Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp cho biết: Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và bệnh nghề nghiệp đang là vấn đề nổi cộm do nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về trang bị đồ bảo hộ và phòng tránh còn yếu và do muốn tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy, Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp đã phát hiện nhiều bệnh nghề nghiệp qua khám định kỳ.

“Bệnh nghề nghiệp ủ bệnh lâu và người lao động chưa nhận thức đầy đủ do thời gian ủ bệnh 10 - 20 năm, nên cần huấn luyện chuyên sâu, bài bản hơn trong phòng tránh. Qua khám bệnh nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy bệnh điếc nghề nghiệp và phổi có tỷ lệ cao, nhiễm dung môi kim loại nặng gia tăng. Do đó, mức độ bệnh có nhiều cấp độ và cần tư vấn cho người lao động mức độ thiệt hại để tập huấn phòng tránh và can thiệp y tế khi cần thiết”, tiến sĩ Phạm Hồng Lưu khẳng định.

Nội soi chẩn đoán bệnh lao phổi. Ảnh: Báo quảng ninh


Không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, ngay cả lĩnh vực nông nghiệp cũng xảy ra tình trạng thiếu an toàn trong lao động. Nhiều lao động nông nghiệp trong quá trình làm việc theo thói quen không sử dụng đồ bảo hộ lao động như phun thuốc trừ sâu hay sử dụng thiết bị cơ khí chưa đúng cách.

Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế cho biết: Hiện nay, công tác phòng bệnh nghề nghiệp cần được chú trọng do nhận thức về nguy cơ lâu dài, đây là vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng nhưng vẫn chưa được quan tâm. Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn, tức là mức nguy hiểm có hại cho môi trường của người lao động nhưng việc áp dụng tại các cơ sở sản xuất còn nhiều hạn chế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chỉ khoảng 15% cơ sở có quản lý môi trường lao động).

Hiện Việt Nam mới đưa 28 bệnh vào danh mục hưởng bảo hiểm nhưng thực tế còn nhiều bệnh khác. Bên cạnh đó, khi để chi trả bảo hiểm cho các đối tượng mắc bệnh nghề nghiệp là cả quá trình và có hiện tượng doanh nghiệp trốn tránh đóng bảo hiểm cho người lao động.

Cục Quản lý môi trường Y tế khuyến cáo các cơ sở sản xuất khám sức khỏe định kỳ với những đơn vị dễ mắc bệnh nghề nghiệp; đồng thời nâng cao nhận thức của người lao động với bệnh nghề nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, trong Bộ luật Lao động 2012 đã có một chương quy định về công tác ATVSLĐ. Tuy nhiên, những quy định, chính sách về ATVSLĐ mới chỉ đáp ứng hơn 30% lực lượng lao động.

Do đó, cần mở rộng đối tượng bao phủ của pháp luật về lĩnh vực này, trong đó có bệnh nghề nghiệp. Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Luật Vệ sinh an toàn lao động, trong đó quy về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp và các biện pháp phòng ngừa chủ động; dịch vụ y tế lao động cơ bản.


Xuân Minh

Lo ngại về gia tăng bệnh nghề nghiệp
Lo ngại về gia tăng bệnh nghề nghiệp

Theo nhận định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Trong khi, sự quan tâm đối với sức khỏe người lao động hiện nay còn quá thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN