Lo ngại về gia tăng bệnh nghề nghiệp

Theo nhận định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Trong khi, sự quan tâm đối với sức khỏe người lao động hiện nay còn quá thấp.

 

Bất cập trong chăm sóc sức khỏe người lao động


Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 6.000 doanh nghiệp phần lớn hoạt động sản xuất công nghiệp nặng (khai thác than, khai thác đá, sản xuất xi măng…). Do môi trường làm việc ồn, bụi nên số lao động mắc bệnh nghề nghiệp khá lớn. Trong đó, bệnh bụi phổi silic chiếm đa số, tiếp đến là bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh viêm xoang, mũi họng, thanh quản cấp, bệnh về mắt. Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, riêng năm 2011, trong số 2.357 người khám bệnh nghề nghiệp, có trên 350 người mắc bệnh bụi phổi silic.


 

Người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường sản xuất bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Đông - TTXVN

Không chỉ riêng Quảng Ninh mà việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp cũng là tình hình chung của cả nước. Theo Bộ Y tế, thời gian qua, các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Người lao động là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi môi trường không khí của khu vực sản xuất bị ô nhiễm. Người lao động thường mắc nhất là các bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da và một số hiện tượng ngộ độc CO, SO2, chì.


Cuối năm 2011, tổng số người mắc bệnh nghề nghiệp của cả nước (đã qua giám định) là 27.246 trường hợp. Trong đó, có hơn 20.000 ca mắc bụi phổi silic, chiếm 75,1% tổng số người mắc bệnh. “Trên thực tế, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể cao gấp hàng chục lần số báo cáo. Bởi, số cơ sở khám sức khỏe ít và khả năng khám bệnh nghề nghiệp của Việt Nam cũng còn hạn chế”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh khẳng định.


Số liệu khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho thấy, tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV) và rất yếu (loại V) đứng ở mức cao, năm 2010 là 8,8%, tỷ lệ nghỉ ốm trong công nhân là 24,7% tổng số người lao động của các doanh nghiệp có báo cáo.


Mặc dù tỷ lệ số lao động được khám sức khỏe định kỳ đã tăng nhưng nhìn chung, việc quản lý sức khỏe người lao động ở các cơ sở lao động còn nhiều bất cập. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay, mới chỉ có khoảng 10- 15% cơ sở lao động làm được điều này. Bên cạnh đó, công tác quản lý môi trường lao động cũng đạt ở mức rất thấp (15% số cơ sở lao động). Mặt khác, “chỉ có 22% số doanh nghiệp thành lập bộ phận y tế hoặc có cán bộ y tế. Thế nhưng, hầu hết đội ngũ này chưa được đào tạo về công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp”, ông Lĩnh cho biết thêm.

 

Chưa quan tâm đúng mức


Thực tế, việc quản lý bệnh nghề nghiệp ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Việc nghiên cứu, bổ sung các loại bệnh nghề nghiệp mới vào danh mục các bệnh nghề nghiệp ở nước ta vẫn còn chậm. Điều này gây khó khăn cho người lao động trong việc hưởng các chế độ chính sách liên quan đến bệnh nghề nghiệp.


Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ban hành danh mục gồm 54 nhóm bệnh nghề nghiệp. Ở Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có 102, thế nhưng hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có 28 bệnh được công nhận và được bảo hiểm.


Mặt khác, theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong quá trình tổ chức thực hiện chế độ về bệnh nghề nghiệp còn có một số khó khăn, vướng mắc, trong đó việc xác định một số trường hợp bị mắc bệnh theo danh mục bệnh nghề nghiệp khá khó khăn. Bởi quy định về bệnh nghề nghiệp tại các văn bản hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật tuy đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn trường hợp chưa hướng dẫn cụ thể, nên khó giải quyết hoặc giải quyết không thống nhất. Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục, chế độ giám định và cấp sổ bệnh nghề nghiệp hiện rất phức tạp. Theo đó, để xác định bệnh nghề nghiệp phải có kết quả đo các chỉ số về môi trường lao động.


Trước những bất cập này, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát sửa đổi cơ chế chính sách, pháp luật cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến chính sách, quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động để thực hiện tốt Luật Lao động, Luật BHXH.


Bên cạnh đó, việc thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp phải được tăng cường. Có như vậy mới bảo đảm tăng tỷ lệ người lao động được khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị kịp thời. Doanh nghiệp cần thực hiện tốt về kỹ thuật, y tế và trang thiết bị phòng hộ - vệ sinh lao động để người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm…; thực hiện đo môi trường lao động theo định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục, hạn chế những yếu tố nguy cơ gây tổn hại sức khỏe cho người lao động.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN