Đi làm thuê để về làm chủ
Về Đồng Tháp - thủ phủ của xứ sen hồng mùa này, hai bên đường là những cánh đồng ăm ắp nước mang theo những sản vật mùa lũ. Ở tổ 11, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, ai cũng biết tấm gương khởi nghiệp thành công của anh Nguyễn Chương Phi (SN 1989), Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh Food, đang tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Bên dây chuyền sấy khô hoa quả, nông sản, anh Phi kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ lập nghiệp của mình. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, anh Phi đi làm thuê cho một công ty thủy sản. Với quyết tâm vươn lên “làm cái gì đó”, lại nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm 2014 anh được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay 70 triệu đồng chi phí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Đến năm 2017, anh Phi về nước với số vốn tích lũy được 600 triệu đồng, anh lại được NHCSXH cho vay 400 triệu theo chương trình giải quyết việc làm để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy chân không để sấy nông sản. Anh Phi chia sẻ: “Vì nông sản lúc ấy rất rẻ, nhiều khi họ đem bỏ hoặc cho bò, cho dê ăn. Thấy như vậy thì phí quá, mình mở ra công ty này giúp đỡ được một số nông hộ”.
Có kiến thức được đào tạo bài bản, có kỹ năng và kinh nghiệm từ khi xuất khẩu lao động ở Nhật, nên anh Phi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, công ty ngày càng phát triển. Chỉ sau 2 năm, anh đã đầu tư thêm 2 máy sấy lớn trị giá hàng tỷ đồng, nâng sản lượng lên 7-8 tấn/tháng, chủ yếu là chuối và khoai lang sấy khô. Sản phẩm của Quang Vinh Food đã có mặt ở nhiều siêu thị trên cả nước và khách nước ngoài đến đặt hàng xuất khẩu. Anh tâm sự: “Hiện tại bây giờ công ty phát triển rất tốt, mua được sản phẩm của nông dân rất nhiều. Vì vậy, tạo được nhiều việc làm tại địa phương. Tôi hạnh phúc với điều mình đang làm”.
Anh Phi chỉ là một trong số hàng nghìn thanh niên ở tỉnh Đồng Tháp đi xuất khẩu lao động nhờ chính sách khuyến khích của tỉnh. Xác định xuất khẩu lao động là một hướng đi giúp người dân có thu nhập cao, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương nên Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho vay với tất cả hộ gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài để chi phí khám bệnh, học định hướng với mức từ 80% đến 90% chi phí, những trường hợp khó khăn được Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh cho vay đến 100% chi phí. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 5.876 trường hợp được vay vốn ưu đãi để đi lao động ở nước ngoài, với số tiền hơn 424 tỷ đồng, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Chủ động, sáng tạo tìm nguồn vốn cho bà con vay
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã yêu cầu “HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn”, “Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội”. Trên thực tế tại xã Bình Thành Trung (huyện Lấp Vò), cấp ủy và chính quyền địa phương đã sớm có cách làm sáng tạo là tổ chức một đêm nhạc Vì người nghèo gây quỹ được 368 triệu đồng, sau đó ủy thác qua NHCSXH cho các hộ nghèo vay vốn làm ăn.
Chở tôi bằng xe máy xuống thăm các hộ dân, anh Đoàn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành Trung vừa đi vừa chia sẻ chính anh là người tham mưu tổ chức đêm nhạc Vì người nghèo bởi lẽ ca sĩ Minh Luân là… người bà con. Cái hay của việc ủy thác cho ngân hàng là nguồn vốn của Quỹ vì người nghèo đến nay vẫn còn nguyên, được quay vòng cho nhiều hộ nghèo vay vốn vươn lên. Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn xã còn dư nợ 33 tỷ đồng, lớn nhất huyện Lấp Vò. Bà con sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,57% (năm 2012) xuống 3,5% (năm 2019), xã đạt 13/19 tiêu chí về nông thôn mới.
Nhà ông Ngô Văn Thành, ở ấp Tân Thạnh (xã Bình Thạnh Trung) là một trong những hộ điển hình thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước kia ông Thành chỉ trồng lúa, còn đất vườn bỏ không vì chưa có kinh nghiệm. Năm 2013, khi giá lúa xuống thấp, được cán bộ địa phương tuyên truyền ông Thành mới mạnh dạn vay vốn NHCSXH dành cho hộ nghèo để đầu tư mua 2 con bò. Khi bò sinh con, bán lấy vốn ông đầu tư cải tạo đất trồng táo, quýt. Đến nay thì sự cần cù, chịu khó đã được đền đáp khi 5 công đất (1 công đất bằng 1.000 m2) trồng quýt đã bắt đầu cho thu hoạch 2 tháng /lần, mỗi lần hơn 1 tấn trị giá 35 triệu đồng; 3 công đất trồng táo cho sản lượng mỗi tuần là 8 tạ, thu 15-20 triệu đồng, tính ra lãi gấp nhiều lần trồng lúa. Đàn bò của gia đình ông cũng tăng lên 12 con, trị giá hàng trăm triệu đồng. Hộ ông Thành đã thoát nghèo nhưng vẫn được tiếp tục cho vay vốn ưu đãi theo chương trình dành cho hộ mới thoát nghèo để phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lại Văn Bé Chín, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, chủ trương của tỉnh là tập trung nguồn vốn cho vay đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bởi vậy, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thời điểm 31/12/2014 (khi chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW) là gần 52,3 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm 30/6/2019 đã là 278,5 tỷ đồng, tăng hơn 226 tỷ đồng. Gần 5 qua đã có trên 176.000 lượt hộ được vay vốn, trong đó hơn 30.000 hộ đã thoát nghèo, tổng dư nợ tín dụng chính sách đến nay là hơn 3.220 tỷ đồng với nợ quá hạn rất thấp, chỉ chiếm 0,37%.
Đánh giá về chính sách tín dụng ưu đãi, đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, từ khi có Chỉ thị số 40, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của các cấp ủy mạnh mẽ hơn, xuyên suốt hơn, có trọng tâm hơn, kết nối toàn bộ sức mạnh của hệ thống chính trị để hỗ trợ đưa nguồn vốn đến các đối tượng chính sách. Thông qua đó không chỉ tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo, mà còn củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thông qua ủy thác với NHCSXH, các tổ chức chính trị xã hội cũng quan tâm chăm lo nhiều hơn cho đoàn viên, hội viên của mình, tạo sự gắn bó giữa đoàn viên, hội viên tốt hơn… “Hiệu quả của Chỉ thị số 40 không phải chỉ về mặt kinh tế cho người nghèo mà cả tác dụng về mặt xã hội, chính trị”, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bài cuối: Bài học kinh nghiệm từ cơ sở