Không để ai bỏ học vì thiếu tiền
Đem cho chúng tôi xem cuốn sổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ghi chi chít những lần được giải ngân, ông Nguyễn Văn Truyền, ở xóm Đại Liên, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bùi ngùi nhớ lại thời kỳ vất vả của gia đình. Ông Truyền từng là sinh viên Đại học Tổng hợp khoa Văn ở Hà Nội nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải bỏ dở con đường học tập. Lấy vợ lập gia đình rồi nhưng cái nghèo vẫn đeo bám cho đến khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, hai vợ chồng mới có điều kiện đầu tư chăn nuôi lợn, bò để phát triển kinh tế. Thế nhưng khi ba người con lần lượt vào đại học thì áp lực chi phí nuôi con ăn học lại đè nặng lên gia đình, điều làm ông Truyền khổ tâm nhất là nguy cơ con mình phải nghỉ học giữa chừng như bố của chúng. Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự đã trở thành cứu cánh cho gia đình.
Đến nay ông Truyền đã được NHCSXH giải ngân tổng cộng gần 117 triệu đồng, trong đó người con đầu (SN 1992) đã tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải, có việc làm ở Hà Nội và đang trả nợ theo phân kỳ, người con thứ 2 học Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cũng đã ra trường và có việc làm ở thành phố Hà Tĩnh. Còn cô con gái út đang học năm thứ tư ĐH Bách Khoa tại Hà Nội được các anh chị hỗ trợ thêm nên kinh tế gia đình bắt đầu có tích lũy. Đến năm 2016 gia đình ông Truyền ra khỏi diện hộ nghèo và tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng theo chương trình dành cho hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi như ông Truyền, ông Nguyễn Đình Tâm, ở thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, khẳng định: “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Nhà nước thì các cháu không thể đi học được”. Ông Tâm có 4 người con đều học đại học, có những giai đoạn phải “phân kỳ” gửi tiền cho con, đứa đầu tháng, đứa giữa tháng bởi hai vợ chồng ông xoay không kịp. Đến nay, 3 người con đã ra trường có việc làm ổn định, 1 cậu út vừa tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đang chờ xin visa kỹ sư đi làm việc tại Nhật Bản. Ông chia sẻ, phong trào học tập đã thành truyền thống của quê hương, các cháu được học hỏi kiến thức và có nghề nghiệp mới có thể thoát nghèo trên vùng đất thuần nông này.
Chất lượng tạo nên sự bền vững
Chương trình tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên được triển khai mở rộng từ năm 2007 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cũng như các chương trình tín dụng chính sách khác, mô hình quản lý bằng việc NHCSXH ủy thác một phần qua 4 tổ chức hội đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên; đồng thời thực hiện công khai, dân chủ các khâu bình xét, phê duyệt, giám sát… ở tổ tiết kiệm và vay vốn, của chính quyền địa phương đã chứng minh sự phù hợp, được quốc tế đánh giá là cách làm sáng tạo độc đáo ở Việt Nam.
Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 22/11/2014 cũng đã đánh giá: “Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội...”.
Tỉnh Hà Tĩnh có số lượng học sinh, sinh viên vay vốn nhiều, nguy cơ nợ xấu cũng tiềm ẩn nếu họ ra trường không có việc làm. Bởi vậy, khi triển khai sâu rộng các giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 40, quy mô và chất lượng tín dụng chính sách đã được nâng lên rõ rệt. Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, NHCSXH Hà Tĩnh đã cho 216.532 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay số tiền 6.795 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 36.950 hộ thoát nghèo; 37.127 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 7.679 việc làm được tạo ra do được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 346 người được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài… Đến 30/6/2019, NHCSXH Hà Tĩnh đang quản lý 4.562 tỷ đồng dư nợ, tăng 1.294 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40, với 118.368 hộ gia đình thụ hưởng 16 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả nợ đúng hạn, do vậy chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn tại NHCSXH Hà Tĩnh luôn thấp nhất toàn hệ thống, hiện chỉ là 0,05% trên tổng dư nợ.
Đánh giá về kết quả trên, đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng, thực hiện chính sách này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, các ngành, các cấp đã tham gia từ tỉnh đến cơ sở, ngay từng thôn đã hình thành các tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên tham gia đã trợ giúp cho người nghèo đạt nhiều kết quả tốt. Nguồn vốn chính sách ở Hà Tĩnh gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, và đặc biệt là cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay nhiều. Đây là chủ trương ý Đảng hợp lòng dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc và đang đạt kết quả cao góp phần cho Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
“Tỉnh cũng xác định cần phải có nguồn vốn cho người dân vay, bỏ vốn vào đó là không mất đi, không phải cho không. Bởi vậy, trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã tăng đến 3 lần vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, hiện nay là trên 105 tỷ đồng. Chúng tôi mong có thêm nguồn lực cho người nghèo được vay nhiều hơn nữa”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của NHCSXH có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. (Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư)
Bài 3: Nhiều cách làm sáng tạo trên đất sen hồng