Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số báo chí

Bên cạnh nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, đội ngũ những người làm báo đóng vai trò cốt yếu trong quá trình chuyển đổi số của mỗi cơ quan báo chí.

Người làm báo cần "chuyển đổi số toàn diện"

Kết quả đánh giá chuyển đổi số báo chí năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các cơ quan báo chí tham gia đánh giá cho thấy: Có 3,66% cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc, 8,06% cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức tốt, 13,19% cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức khá, 12,09% cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức trung bình và 63% cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức yếu.

Như vậy, số cơ quan báo chí đạt mức trung bình và yếu chiếm đa số, phản ánh quá trình chuyển đổi số báo chí diễn ra còn chậm, chưa đi vào thực chất. Không ít cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, tiềm lực tài chính còn hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực làm báo chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Nhà báo Nguyễn Đông - Phó Tổng Biên tập báo Ninh Bình cho biết: "Ở địa phương, những nhà báo tích lũy được nhiều kinh nghiệm lại hoạt động chủ yếu ở loại hình báo in, nay phải làm báo điện tử với nhiều yêu cầu, kỹ năng mới như: báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ... phải sáng tạo các tác phẩm báo chí theo xu hướng báo chí số; đưa nội dung lên nền tảng số, mạng xã hội... Thực tế còn có một số phóng viên chưa theo kịp việc tiếp nhận, sử dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo đa phương tiện. Trong khi đó, số lượng biên chế viên chức của báo ngày càng giảm theo lộ trình".

Chú thích ảnh
Các phóng viên, biên tập viên báo Quảng Ngãi làm quen với trường quay ảo để sản xuất các tác phẩm báo chí. Ảnh: TTXVN.

Việc phát triển một thế hệ lãnh đạo, đội ngũ người làm công tác báo chí, truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định quá trình chuyển đổi số của mỗi cơ quan báo chí.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, bên cạnh yếu tố công nghệ thì đích đến của chuyển đổi số trong báo chí là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhà báo, phóng viên, kỹ thuật viên... “chuyển đổi số toàn diện”, với những phẩm chất, kỹ năng đặc thù, để có thể tạo nên tòa soạn đa phương tiện giàu bản sắc, dấu ấn.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo giữ vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông số ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, khi Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 100% cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

Để chuyển đổi số báo chí - truyền thông thành công, cần sự hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố con người được coi là then chốt. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, tăng cường công tác đào tạo báo chí, truyền thông thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, thay đổi tổng thể từ tư duy, tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ nhân lực báo chí - truyền thông số.

Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã chú trọng đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; trang bị các kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết cho người học trong môi trường số; đưa các mô hình tòa soạn số, trường quay ảo, công nghệ truyền thông thế hệ mới… vào giảng đường. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình đào tạo báo chí hiện nay là chưa tích hợp đầy đủ và hiệu quả những kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới trong truyền thông.

PSG. TS Nguyễn Thị Trường Giang cho biết: "Sinh viên báo chí ra trường thường bị thiếu hụt năng lực xử lý dữ liệu, sản xuất nội dung đa phương tiện, tương tác với công chúng trên nền tảng số. Trong khi đó, những kiến thức, kỹ năng này lại đang trở nên ngày càng cần thiết trước sự phát triển nhanh chóng của báo chí trực tuyến, mạng xã hội và các loại hình báo chí mới như báo chí dữ liệu, báo chí di động...".

Chú thích ảnh
Các sinh viên ngành báo chí - truyền thông được trải nghiệm công nghệ làm báo hiện đại. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí thông qua các buổi hội thảo, tập huấn nghiệp vụ về chuyển đổi số. Qua đó, thúc đẩy những người làm báo nâng cao ý thức rèn luyện các kỹ năng cơ bản, cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu… tạo nên các tác phẩm giá trị, gần gũi với bạn đọc trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển hiện nay.

Theo PSG.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị, hội tụ truyền thông trở thành xu thế phát triển tất yếu của báo chí hiện đại. Trong bối cảnh đó, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các “nhà báo số” là công việc cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết.

“Việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, có thể giúp nhà báo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với những công nghệ làm báo mới”, PSG.TS Nguyễn Thành Lợi cho hay.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên tại tòa soạn, đồng thời mở rộng tuyển dụng với đội ngũ người làm báo trẻ, có kỹ năng đa phương tiện nhằm thích ứng nhanh với chuyển đổi số.

Phó Tổng Biên tập báo Ninh Bình Nguyễn Đông cho biết: "Để báo Ninh Bình thực hiện thành công chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, giải pháp quan trọng nhất là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước mắt, báo Ninh Bình đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên hiện có, đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm có chính sách cho báo Ninh Bình được ký hợp đồng lao động làm phóng viên, biên tập viên, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin, quay phim... theo mức độ tự chủ tài chính để bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài".

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan báo chí
Đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan báo chí

Các cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, luôn cần được bảo đảm an toàn trước thủ đoạn của các nhóm tin tặc (hacker).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN