Chú trọng giám sát chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề làm thế nào để các bệnh viện không lơ là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đề nghị ông cho biết trong những lần điều chỉnh viện phí trước đây, các bệnh viện có thực hiện việc nâng cao chất lượng đúng như quy định không?

Lần điều chỉnh viện phí năm 2012 đã tính chi phí trực tiếp vào người bệnh gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản… BHXH đã tổ chức giám sát các cơ sở KCB và đã phát hiện một số vấn đề tồn tại. Đơn cử, trong kết cấu giá dịch vụ đã bao gồm kim châm cứu dùng một lần nhưng một số bệnh viện vẫn sử dụng lại, thậm chí bắt người bệnh mua. Hay nhiều cơ sở y tế cũng chưa sử dụng hết vật tư được xây dựng trong cấu phần giá, ví dụ trong cấu phần giá khám bệnh có mũ, khẩu trang, găng tay cho nhân viên y tế… nhưng thực tế sử dụng không đầy đủ, quỹ BHYT vẫn phải thanh toán theo mức giá đã được phê duyệt. Sau khi phát hiện những vấn đề tồn tại, BHXH Việt Nam đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Thời gian gần đây, các cơ sở KCB đã có nhiều đổi thay ở khu vực KCB như bố trí thêm bàn khám, lắp ghế chờ, quạt, giảm sự chờ đợi cho bệnh nhân… Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn cần cải tiến chất lượng dịch vụ hơn nữa. Ví dụ, khi xây dựng giá khám bệnh đã bao gồm cả nước rửa tay cho BS sau mỗi lần khám nhưng thực tế qua kiểm tra cho thấy, một số bệnh viện lớn thì có nhưng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thì chưa…


Vậy tới đây, việc giám sát chất lượng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Lần điều chỉnh từ 1/3 vừa qua chỉ là tính thêm phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, trực, từ 1/7 tính thêm lương. Do đó, muốn chất lượng dịch vụ y tế tốt thì các cơ sở KCB cần tuân thủ việc cung cấp dịch vụ đúng theo các định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Y tế quy định từ năm 2012. Tới đây, cơ quan BHXH Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện giám chất lượng dịch vụ y tế theo hướng này.

Thời gian tới, ngoài sự giám sát của BHXH cấp tỉnh, BHXH Việt Nam cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để “thị sát” thực tế, xem các BV có thực hiện đúng quy định của Thông tư 37 không? Cụ thể, chúng tôi sẽ giám sát từ khu vực khám bệnh, xem chỗ ngồi chờ có sạch sẽ, người bệnh có nước uống không; bác sĩ thực hiện thủ thuật có tuân thủ các quy định về phòng chống nhiễm khuẩn như sử dụng găng tay, mũ, khẩu trang; kiểm tra thực tế số lượng bệnh nhân khám bệnh trên tổng số bàn khám mỗi ngày. Khi xây dựng giá khám bệnh, định mức được làm căn cứ tính là 35 bệnh nhân/bàn khám/ngày; trong giai đoạn hiện nay, một số cơ sở còn khó khăn về nhân lực nên sẽ tạm chấp nhận 50 bệnh nhân/bàn khám/ngày nhưng nếu khám quá nhiều, ví dụ 70 - 80 bệnh nhân thì cơ quan BHXH sẽ yêu cầu bệnh viện phải bố trí thêm bàn khám; nếu không, sẽ chuyển thẻ BHYT đăng ký ban đầu đi nơi khác, tránh tình trạng quá đông bệnh nhân, không đảm bảo chất lượng phục vụ. Thậm chí, quỹ BHYT sẽ không thanh toán mức giá khám tối đa cho cơ sở y tế từ lần khám vượt mức quy định… Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú ý xem có tồn tại tình trạng bệnh nhân phải trả thêm tiền cho các thuốc, vật tư y tế đã được kết cấu trong giá dịch vụ. Khi viện phí tăng, nhất định không để người bệnh phải mua, phải trả những gì đã được tính trong giá dịch vụ.

Liên quan đến chất lượng KCB, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ thời gian nằm viện của người bệnh, số lần tái khám ít hay nhiều, tránh tình trạng cho tái khám nhiều lần để lấy tiền công khám bệnh và cũng tránh “bài” cho nằm viện quá dài ngày (như nằm chờ mổ hoặc sau mổ). Thực tế, cùng mổ Phacô nhưng có nơi chỉ 2 ngày là xuất viện nhưng cũng có nơi sau 5 - 7 ngày, bệnh nhân mới được về. Cá biệt, có trường hợp khi được khoán chi phí rồi thì lại “quay vòng” bệnh nhân, cho bệnh nhân vào viện rồi lại cho ra…


Làm thế nào để tránh tình trạng bệnh nhân bị làm “phiền”, quỹ BHYT bị lạm dụng do bệnh viện cung cấp dịch vụ quá mức cho bệnh nhân?

Đúng là khi tăng viện phí bao giờ cũng có tác động kép: Tăng chi từ quỹ BHYT và từ người bệnh. Đặc biệt, khi tiền lương được tính vào giá dịch vụ thì hơn ai hết cán bộ y tế hiểu rõ rằng: Càng cung cấp nhiều dịch vụ thì thu nhập của họ càng cao.

Để giám sát vấn đề này, BHXH đã có phần mềm giám định, rà soát tất cả trường hợp khám nhiều trong tháng, trong năm. Chúng tôi cũng xem xét bác sĩ cho thuốc có hợp lý không hay chỉ định xét nghiệm đó có cần thiết không… Đặc biệt, cũng sẽ chú ý tới việc chỉ định các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, tránh lãng phí quỹ BHYT, giảm phần chi trả và phiền hà cho người bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên
Tăng viện phí - "Cú hích” cho bệnh viện
Tăng viện phí - "Cú hích” cho bệnh viện

Sau một thời gian thực hiện tăng viện phí, nhiều người dân đã ủng hộ chủ trương này với hy vọng chất lượng dịch vụ y tế sẽ được cải thiện theo. Các bệnh viện cũng tỏ ra rất “phấn khởi”, “hứa hẹn” triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN