Tránh tai nạn đáng tiếcĐể hạn chế những thiệt hại do cây ngã, đổ cũng như bảo đảm an toàn trước các sự cố điện, ngay từ đầu mùa mưa bão, Thành phố đã khẩn trương thực hiện việc cắt, tỉa cây xanh, thực hiện nhiều giải pháp an toàn đối với hệ thống điện nhằm tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Công ty Công viên Cây xanh khắc phục sự cố cây đổ. Ảnh Thanh Vũ
|
Theo Công ty Công viên cây xanh thành phố, trên nhiều tuyến đường nội thành, hiện vẫn còn trồng khá nhiều những loại cây như sọ khỉ, lim xẹt, phượng vỹ… là những loại cây có rễ ngang, cành nhánh dòn, dễ bật gốc khi có mưa, lốc. Từ đầu năm đến nay, công ty đã thực hiện chăm sóc hơn 90.000 cây các loại phân bổ trên 683 tuyến đường trên địa bàn thành phố và đốn hạ các cây bị sâu mục, bệnh hoặc già cỗi như một số cây me tây trên đường Nguyễn Văn Cừ, cây giá tỵ trên đường Kỳ Đồng, cây lim xẹt trên đường Nguyễn Đình Chiểu… Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ, công ty cũng đã thành lập các tổ trực phòng chống sự cố cây xanh trong và ngoài giờ hành chính, đặt tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm ứng phó kịp thời với những sự cố xảy ra.
Cùng với việc đề phòng cây đổ, ngành điện cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho người dân và công trình trên địa bàn thành phố. Để kéo giảm tình trạng rò rỉ điện, cháy nổ điện đường cũng như tạo mỹ quan đô thị, Tổng Công ty Điện lực thành phố đã tiến hành nhiều giải pháp tích cực để thu gọn, ngầm hóa các mạng lưới điện.
Theo ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố, để đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm Tổng Công ty Điện lực đã thường xuyên thực hiện công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cho các đơn vị trực thuộc theo quy định. Giao các đơn vị liên hệ và thực hiện phương án cấp điện ưu tiên cho các phụ tải quan trọng như các đơn vị chỉ đạo, chỉ huy, cảnh báo, dự báo thông tin liên lạc, các trạm bơm, máy bơm chống ngập, chống úng. Tổ chức kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại đơn vị và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN trước mùa mưa bão.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan trong phòng chống thiên tai, mưa, bão, ngập lụt, triều cường… trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và sửa chữa những khu vực ngập úng, khu vực cấp điện quan trọng để kịp thời khắc phục ngay những bất thường khi phát hiện. Trong quá trình ngầm hóa lưới điện, ngành điện cũng đã xem xét đến điều kiện thời tiết cực đoan khi thiết kế lắp đặt các bộ phận, thiết bị mang điện để đảm bảo không bị thấm nước, ngập nước… Các đơn vị cũng tổ chức kiểm tra các tuyến đường dây, thiết bị điện trên lưới và khắc phục, xử lý ngay các nguy cơ cột điện bị nghiêng, bị ngã đổ, đặc biệt các vùng đất yếu như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 9…
Triển khai các dự án lâu dàiMặc dù Thành phố Hồ Chí Minh là một địa phương “ít bão”, tuy nhiên, ngay từ đầu mùa mưa bão, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, kể cả trong điều kiện thời tiết bình thường và các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Luôn sẵn sàng tổ chức hỗ trợ, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời. Thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở, kho tàng, công trình công cộng thuộc phạm vi quản lý, sử dụng nhằm đề phòng mưa giông, gió, lốc xoáy bất ngờ xảy ra, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai và biện pháp hướng dẫn phòng, chống, ứng phó trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng điện tử về Khí tượng Thủy văn.
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai, mới đây UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp thuận chủ trương giao UBND các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ làm chủ đầu tư thực hiện gia cố, sửa chữa cấp bách 85 công trình phòng chống thiên tai xung yếu trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí thực hiện là 70,466 tỷ đồng, được trích từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố năm 2016. Đây là các công trình xung yếu phòng chống sạt lở, triều cường, ngập úng, tiêu thoát nước cho các khu vực có tổng diện tích khoảng 3.052 ha và bảo vệ cho khoảng 22.600 hộ dân. UBND các địa phương nói trên phải có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có năng lực, kinh nghiệm khẩn trương triển khai thực hiện việc gia cố, sửa chữa 85 công trình cấp bách này nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả trong mùa triều cường, mưa bão năm 2016.
Ngoài ra, thành phố còn triển khai phương án di dời hơn 1.200 hộ dân khỏi vùng sạt lở, xây dựng 5 khu tái định cư với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 500 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Theo kế hoạch này, các hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm, ven sông, ven biển bị sạt lở sẽ được di dời vào các điểm dân cư hiện hữu hay khu tái định cư tập trung trên địa bàn quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc di dời hơn 1.200 hộ dân sống ven sông, ven biển bị sạt lở.
Trước mắt, thành phố sẽ tập trung ưu tiên thực hiện các dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư di dời sạt lở trên địa bàn huyện Nhà Bè, với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân thị trấn Cần Thạnh xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với tổng mức đầu tư 355 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có dự án di dời 44 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc quận Thủ Đức tại các phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước với tổng mức đầu tư 3,96 tỷ đồng; dự án di dời 108 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thuộc huyện Bình Chánh tại xã Bình Hưng và xã Tân Nhựt với tổng mức đầu tư 9,72 tỷ đồng và Dự án di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai cho 388 hộ dân thuộc các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Long Hòa, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp và thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ với tổng mức đầu tư 34,92 tỷ đồng.
“Do ảnh hưởng của ENSO trung tính, sau chuyển sang La Nina nên thời tiết khu vực Nam Bộ trong các tháng còn lại của mùa mưa sẽ còn diễn biến phức tạp, sắp tới sẽ còn xuất hiện nhiều đợt dông lốc, gió giật mạnh cũng như các trận mưa cường độ lớn, có thể đạt từ 50mm - 100mm, thậm chí trên 100mm. Ngoài ra, vào các tháng cuối năm sẽ là thời kỳ triều cường lên cao nhất trên vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Cửu Long... Dự báo đỉnh triều cường sẽ lên vượt mức báo động 3 từ 0,1 m - 0,2 m vào các kỳ triều cường giữa tháng 10, tháng 11 và tháng 12”.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ |