Chủ động ứng phó với mưa lũ

12 người chết và mất tích, 11 người bị thương


Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17 giờ 30 ngày 7/9, mưa lũ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh đã làm 11 người chết (Ninh Bình 1 người, Thanh Hóa 4, Nghệ An 4, Hà Tĩnh 2) và 1 người mất tích (Thanh Hóa); 62 nhà bị sập (Thanh Hóa: 42 nhà; Nghệ An: 20 nhà), 3.119 nhà bị ngập; thiệt hại về vật chất lên đến hàng trăm tỷ đồng.


 

Quốc lộ 7 qua huyện Tương Dương (Nghệ An) bị sạt lở do mưa lũ.

 

* Tại Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài, các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân, Như Thanh... đã xảy ra ngập lụt nặng. Riêng ở các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập.


Mưa lũ đã làm ngập gần 14.000 ha lúa và hoa màu; diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn 700 ha; vỡ 22 hồ đập nhỏ. Đặc biệt, đê bao, đê bối bị tràn với 2 đoạn dài 420 m, đê tả Sông Chu bị nứt, sạt 2 đoạn dài 115 m tại xã Thọ Trường (Thọ Xuân) và Thiệu Vũ (Thiệu Hóa). Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã bị ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông. Trong số 35 hồ đập lớn và vừa, đã có 21 hồ tích đầy nước và bắt đầu tràn... Tại huyện Nông Cống, 1.200 ha lúa đang trong giai đoạn phơi màu bị ngập, có nguy cơ mất trắng, trong đó xã Vạn Hòa ngập 150 ha, Vạn Thiện 280 ha, Thăng Thọ 170 ha... Đặc biệt, mực nước tại hồ Yên Mỹ đang cao, nếu có mưa lớn trong 1 đến 2 ngày tới và nước thượng nguồn đổ về lớn thì buộc phải xả lũ... Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra của tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng 431 tỷ đồng.


 

Một trong hàng trăm hộ dân ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị ngập trong lũ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

 

Lũ trên các triền sông trong tỉnh đang lên nhanh và ở mức cao, trên sông Cầu Chày, sông Yên trên mức báo động 2; trên sông Chu, sông Mã, sông Bưởi đều trên báo động 1. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, mực nước các sông lớn có khả năng trên mức báo động 2. Để phòng chống và khắc phục mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã có các công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương cử cán bộ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng tại cơ sở. Riêng các huyện miền núi tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống những vùng ven sông, ven suối, vùng thấp trũng để có kế hoạch sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tỉnh cũng đã phát lệnh báo động lũ trên tất cả các triền sông, tổ chức việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động, đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu. Các huyện miền núi đã tập trung tổ chức, chỉ đạo sơ tán người, tài sản ở các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp. Một số huyện đã huy động lực lượng, vật tư xử lý chống tràn, sạt các đoạn đê sông con, đê bao, sơ tán dân vùng bị ngập lụt, vùng ngoại đê...


Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở đê tại các xã Thọ Trường và Thiệu Vũ (huyện Thọ Xuân). Đến 11 giờ ngày 7/9, đoạn đê bị sạt trên địa bàn 2 xã nói trên đã được khắc phục.


* Trong các ngày từ 5 đến 7/9, tại Hà Tĩnh có mưa vừa đến rất to, lượng mưa đo được tại Chu Lễ là 328,7 mm, Hòa Duyệt là 271,1 mm, Hương Khê là 372 mm, Kỳ Anh gần 251,1 mm... Mực nước trên sông Ngàn Sâu đạt đỉnh là 13,54 m (trên báo động III: 0,04 m), trên sông La, triều dâng cao 0,95 m… Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) huyện Hương Khê, toàn huyện có 1.500 nhà dân bị ngập thuộc các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Đô, Gia Phố. Nhiều trường học, trạm y tế xã bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m, học sinh phải nghỉ học. Hơn 820 ha lúa hè thu và lúa mùa bị ngập do mưa lũ. Mưa lớn cũng làm hơn 500 ha cây ăn quả ở huyện Hương Khê bị ngập. Đập Lù ở xã Hương Trạch đang thi công bị nước xói trôi mảng tràn. Quốc lộ 8A đoạn từ km81 - km82 bị sạt mái taluy; quốc lộ 15A nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,3 - 1,2 m. Các đơn vị quản lý giao thông đã lập rào chắn và phân luồng, đảm bảo giao thông tại các vị trí bị ngập.


UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương duy trì bộ phận ứng trực, theo dõi sát diễn biến mưa lũ nhằm chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả. Trước mắt, các địa phương bố trí lực lượng tiêu úng cho các diện tích cây trồng, nhất là lúa hè thu đang bước vào độ thu hoạch, đồng thời tranh thủ mưa dứt, thời tiết khô ráo tiến hành thu hoạch sớm. Với các địa phương miền núi, cần chủ động triển khai phòng tránh sơ tán dân vùng sạt lở, vùng nguy cơ lũ ống lũ quét; tăng cường quản lý đò ngang, đò dọc, ngầm qua sông để tránh thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông.


* Tại Nghệ An, tính đến sáng 7/9, mưa lũ đã làm ngập 9.856 ha lúa, 5.768 ha ngô và rau màu các loại; 1.222 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản cũng bị chìm trong nước; 8 công trình thủy lợi kiên cố bị hư hỏng, trong đó đập Khe Su nằm trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương bị vỡ; cuốn trôi 11 cầu. Quốc lộ 7, 48, 15A… nối từ các huyện đồng bằng lên các huyện miền núi của tỉnh, đến sáng 7/9 vẫn đang trong tình trạng bị sạt lở, ngập lụt tại nhiều vị trí, có vị trí bị ngập lụt 0,5 m cộng với sạt lở đất đá từ trên núi xuống nên đang gây ách tắc giao thông cục bộ.


Ngày 7/9, tỉnh Nghệ An cử các đoàn công tác đến các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Tỉnh cũng đề nghị các ngành, các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, mưa, lũ để chủ động đối phó; kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đề phòng bị chia cắt dài ngày; huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục các tuyến đường giao thông bị tắc, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và quản lý chặt các bến đò ngang, bến sông để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.


Nhóm PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN