Chủ động ứng phó với cơn bão số 3

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, sáng 29/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn cấp về các biện pháp đối phó với cơn bão này. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp và đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ; thông báo và yêu cầu chủ các phương tiện đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa di chuyển xuống phía Nam để tránh xa vùng nguy hiểm. Chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc Bộ bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải; hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn. Triển khai các phương án phòng chống bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền bao gồm: chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế đối với khu vực có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp. Ảnh : Hữu Vinh


Đặc biệt, tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là những địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 nhiều nhất, cần xây dựng phương án triển khai sơ tán dân ở khu vực ven biển, cửa sông, khu nuôi trồng thủy sản, khu không đảm bảo an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, vùng thấp trũng bị chia cắt khi xảy ra mưa lớn. Nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền tại khu neo đậu.

Các bộ, ngành triển khai phương án bảo vệ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, phối hợp với các địa phương ở hạ du đảm bảo an toàn cho nhà dân và tài sản khi xả lũ; đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng; các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển, đê sông; kiểm tra chặt chẽ việc dự trữ vật tư, phương tiện, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố; chủ động tiêu nước đệm bảo vệ các trà lúa mới cấy, các thành phố trong vùng ảnh hưởng sẵn sàng đối phó với ngập úng.

Theo báo cáo nhanh của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, kết quả kiểm đếm tàu thuyền đến 5 giờ 30 ngày 29/7 đã thông báo được tổng số 36.091 tàu, thuyền/177.906 người và 1.701 lồng bè/3.933 người biết vị trí, diễn biến của bão. Trong đó hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa có 24 tàu/338 người của Quảng Ngãi; 178 tàu/4.308 người hoạt động ở quần đảo Trường Sa; hoạt động ven bờ, neo đậu các khu vực khác: 35.889 tàu/173.260 người.

Ngày 27/7, tàu QNg 95010/11 lao động do ông Nguyễn Văn Pho làm thuyền trưởng hành nghề lặn biển ở khu vực quần đảo Trường Sa bị sóng lớn đánh chìm. 12 người trên tàu đã được 1 tàu Philíppin cứu vớt. Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành xác minh thông tin về tàu và liên lạc với tàu Philíppin để sớm đưa ngư dân được cứu trở về.

UBND tỉnh Nam Định và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có 2 công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc sinh sống ở vùng cửa sông, ven biển biết thông tin về cơn bão để chủ động phòng tránh; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê, các công trình đang thi công; chủ động tiêu rút nước đệm phòng chống úng cho lúa và hoa màu.

Ngày 29/7, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định xuất chuyển vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tới các điểm xung yếu tại 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng phục vụ phòng chống cơn bão số 3. Đến trưa 29/7, các đồn biên phòng và địa phương đã liên lạc được với tất cả các tàu thuyền của tỉnh hoạt động trên biển.

Theo thông báo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình, đến sáng 29/7, tổng số 1.323 tàu, thuyền với 3.397 lao động của tỉnh Thái Bình đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin về cơn bão, hiện 1.206 tàu, thuyền đã neo đậu trong bến với 2.580 lao động đã vào bờ.

Tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo công tác kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, đồng thời quản lý chặt chẽ và sắp xếp tàu thuyền tại nơi trú ẩn. Hiện Thanh Hóa đã có 7.383 phương tiện/ 20.804 lao động đã về bến trú ẩn an toàn nhưng vẫn còn 1.185 phương tiện/7.696 lao động đang hoạt động trên biển tập trung ở các khu vực: đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... UBND các huyện, thị và Bộ đội Biên phòng tiếp tục liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thông báo và yêu cầu các chủ tàu thuyền khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai các phương án bảo vệ an toàn nhà cửa, kho tàng, bến bãi, các công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công dở dang, các lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào đất liền.

Đến sáng 29/7, Nghệ An có 118 phương tiện với 589 lao động đang hoạt động ở vùng biển Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Vũng Tàu. Có 20 phương tiện với 87 lao động tàu cá địa phương khác neo đậu tại Nghệ An. Tất cả các phương tiện đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão, không có phương tiện nào ở trong khu vực nguy hiểm. Hiện 4.000 phương tiện đánh bắt gần bờ (sáng đi chiều về) vẫn hoạt động bình thường.

Để chủ động đối phó với bão số 3, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh kiểm tra, rà soát các hộ dân cư đang sinh sống ở khu vực cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, hạ lưu hồ chứa nước và lên phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt, bảo vệ các trà lúa mới cấy và rau màu; kiểm tra, bảo vệ an toàn các hồ đập.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh (PCTT&TKCN) đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương khẩn trương thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão; đồng thời chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Các cơ quan chức năng chủ động giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền; chủ động kiểm tra phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có sự cố xảy ra. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh chủ động bắn pháo hiệu, kêu gọi tàu thuyền trở về tránh bão...

Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị khai thác hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển... chủ động khơi thông dòng chảy trên các bãi thải; kiểm tra, gia cố các đập chắn tại chân các bãi thải; kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước hầm lò, hệ thống cẩu trục, bốc rót than tại các đơn vị sàng tuyển.

Hữu Vinh - TTN

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối phó với bão số 3
Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối phó với bão số 3

Bão số 3 (Nock-Ten)đang tiếp tục di chuyển về phía nước ta, khoảng trưa, chiều mai (30/7) bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển, dự kiến đổ bộ vào đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh; đây là cơn bão mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN