Chị Nguyễn Như Quỳnh, sáng lập viên tổ chức xã hội CyberKid Vietnam: Sự chung tay của cả xã hội
Sự tràn lan nội dung, thông tin xấu độc không phải là vấn đề mới trên không gian mạng. Thông tin xấu độc xuất hiện nhiều từ khoảng năm 2014, khi Việt Nam bùng nổ các nền tảng mạng xã hội, xem video trực tuyến Facebook và Youtube… Đến thời gian gần đây, các thủ đoạn tấn công người dùng bằng thông tin xấu độc ngày càng tinh vi hơn dẫn, đến nhiều hậu quả lớn.
Đối với trẻ em, các nguy cơ về nội dung xấu độc đe doạ các em thường xuyên vào 4 loại hình bao gồm: Nội dung khiêu dâm; Nội dung bạo lực và hướng dẫn hành vi xấu; Nội dung phản động, kích động chống phá nhà nước; Nội dung gây ám ảnh tâm lý trẻ.
Để phòng ngừa tình trạng này, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trước hết, phụ huynh cần sát sao dõi theo và đồng hành cùng con trên không gian mạng, nâng cao “năng lực số” của bản thân, trở thành những người bạn của con để con có thể chia sẻ các vấn đề, sự cố con gặp phải trên không gian mạng.
Đối với các cơ quan chức năng cần có các cơ chế liên tịch, cần có sự phối hợp với nhau giữa các Bộ ngành chặt chẽ hơn. Cụ thể, cần sự hợp tác giữa tất cả các bộ ngành liên quan ngay từ giai đoạn phòng ngừa (ngăn chặn sự hình thành của các nội dung xấu độc), bảo vệ (xây dựng hành lang pháp lý, phần mềm quốc gia bảo vệ trẻ), đến điều tra (truy tìm nguồn gốc ngay khi có nạn nhân gặp tấn công trên không gian mạng), và phản ứng nhanh (nhanh chóng giải quyết tin xấu và hỗ trợ nạn nhân).
Chị Hồng My, phụ huynh học sinh trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội): Giáo dục kỹ năng trên môi trường mạng
Sau thời gian học trực tuyến do dịch COVID-19, tôi nhận thấy các con sử dụng mạng xã hội để chat theo group thành thạo. Trao đổi thông tin học tập cũng có và thông tin nhảm nhí cũng nhiều. Trong thời đại công nghệ thông tin, việc cấm không cho dùng thiết bị như máy tính, rồi sau này là điện thoại di động là điều không thể.
Phụ huynh cũng không thể 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát các con nên biện pháp hữu ích nhất là trang bị kỹ năng nhận diện, cách thức phòng tránh để các con chủ động phòng ngừa. Do đó, ngay từ đầu năm học, khi họp phụ huynh nhiều cha mẹ đã kiến nghị nên có lớp học về kỹ năng, trong đó có kỹ năng sử dụng mạng intenet, phòng chống những thông tin xấu độc.
Bên cạnh đó, bản thân phụ huynh cũng cần phải có kiến thức về thông tin trên mạng như cài đặt phần mềm chỉ cho phép xem các trang phù hợp với lứa tuổi; phối hợp với nhà trường và các phụ huynh khác trong việc định hướng các con khi sử dụng mạng xã hội để hạn chế các mặt tiêu cực.
Em Vương Thủy Nguyên, lớp 9, trường THCS Nam Từ Liêm: Hiểu hơn về kỹ năng phòng chống tin xấu độc
Các kỹ năng nhận biết thông tin trên mạng rất quan trọng. Trước đây cứ thấy thông tin trên mạng lặp đi lặp lại em nghĩ là thật, nhưng sau khi tham gia các lớp học kỹ năng phòng ngừa thông tin xấu độc, em đã nhận rõ hơn các thông tin nào là chính thống, đâu là tin giả, xấu độc; nhận biết kiểm tra nguồn tin...
Từ các lớp kỹ năng, chúng em nhận thấy trước tiên không chia sẻ thông tin bản thân, không chát với người lạ và chia sẻ thông tin có trách nhiệm hơn với cộng đồng, không lan truyền tin xấu độc khi nhấn like hoặc share thông tin trên mạng xã hội.
Chúng em mong muốn được học kỹ năng về nhận biết, chia sẻ thông tin qua các hoạt động vui nhộn cũng dễ tiếp cận hơn và qua đó cũng dễ hiểu hơn.