Chủ động kịch bản ứng phó với 'thách thức kép' từ thiên tai và dịch bệnh 

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cả nước đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, theo quy luật và thực tiễn nhiều năm, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là cao điểm diễn ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… Do vậy, đặt ra yêu cầu phải đảm bảo chỉ đạo điều hành thông suốt và thực hiện các tình huống sát thực tiễn để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Việc mỗi người dân cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng hữu ích để chủ động ứng phó với thiên tai là điều cần thiết. Đặc biệt là người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Chú thích ảnh
Bùn đất tràn xuống gây tắc đường tại km17 +230, đường tỉnh 128 (Chăn Nưa – thị trấn Sìn Hồ) thuộc địa phận bản Làng Mô, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), ngày 17/08/2021. Ảnh: TTXVN phát

Chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng các phương án

Hiện nay, công tác phòng chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Xác định rủi ro, thách thức kép, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản hướng đẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh.

Để sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 76/TWPCTT ngày 30/6/2021 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai kết luận của Phó Thủ tướng, Trưởng ban tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và văn bản số 60/TWPCTT ngày 11/5/2021 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này. Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ", ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức các Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc đến cấp xã hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 với trên 1.200 điểm cầu tham dự.

Tổng cục Phòng chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đang đôn đốc các địa phương hoàn thành phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh; tổ chức thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có tình huống thiên tai lớn xảy ra.

Để chủ động ứng phó với tình huống "thảm họa kép" thiên tai và dịch bệnh, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, trong đó đặc biệt là cuốn tài liệu “Sổ tay hướng dẫn phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”. Cuốn sổ tay lồng ghép những thông điệp 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế, kết hợp đưa ra các kịch bản, kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng, miền. Qua đó đảm bảo các cấp chính quyền và người dân đều nắm được các hướng dẫn, kỹ năng an toàn trước thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, Tổng cục cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các tài liệu, ấn phẩm truyền thông đặc sắc như Infographic, sản phẩm truyền hình, truyền thanh… để tăng cường phổ biến tại các địa phương, từ đó, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận, góp phần củng cố thành trì phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong các cộng đồng.

Kỹ năng an toàn

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở đất, sập kè làm 4 người thương vong ở Quảng Ninh, ngày 12/8/2021. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, giông lốc, 5 đợt không khí lạnh, gió mùa đông, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 2 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000 ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1-báo động 2. Lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.

Xu thế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh và tính mạng của người dân, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần được quan tâm toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh trong khu vực (thông báo về các điểm tránh trú an toàn, chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà); chuẩn bị vật dụng cần thiết phòng trường hợp phải sơ tán khi có thiên tai (khẩu trang, đồ ăn, nước sát khuẩn...).

Trước thiên tai cần lưu ý công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó kịp thời như chuẩn bị phương án ứng phó 4 tại chỗ (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ) kết hợp với việc thực hiện 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế) và chiến lược về vaccine phòng COVID -19.

Trong trường hợp phải đi sơ tán do thiên tai, người dân cần lưu các số điện thoại quan trọng như số Ủy ban nhân dân xã, y tế, cứu hộ địa phương để liên lạc trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp.

Để đảm bảo sơ tán an toàn, người dân tuân thủ theo sự hướng dẫn của chính quyền và những người có trách nhiệm. Khi đi sơ tán trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh COVID-19, người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone để cập nhật tin tức và kiểm tra tình trạng người tiếp xúc với mình. Sau khi đến nơi sơ tán, nếu có biểu hiện sốt, ho, mất vị giác, mệt mỏi, người dân cần báo ngay cho cán bộ hướng dẫn, quản lý và lưu ý không dùng chung đồ ăn thức uống, đồ dùng với người lạ, thường xuyên phải rửa tay bằng xà phòng, hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn cồn trên 60 độ. Đặc biệt, tại nơi sơ tán, người dân tránh tụ tập với người ngoài gia đình.

Trong trường hợp người dân đã tiêm vaccine nhưng vẫn phải tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, hạn chế tối đa chạm vào các bề mặt chung, chỉ rời khỏi nơi sơ tán khi được phép.

Đặc biệt lưu ý đối với những gia đình có trẻ nhỏ, khi đi sơ tán cần đảm bảo trẻ em luôn có người lớn đi cùng, luôn để trẻ em trong tầm mắt, tránh lạc trẻ trên đường sơ tán. Người lớn cần nhắc trẻ em chú ý đi cùng bố mẹ và gia đình mình hoặc cần biết gia đình mình ở đâu trong trường hợp không ở cùng nhau; dạy trẻ ghi nhớ số điện thoại, thông tin liên lạc của bố mẹ để báo ngay cho cán bộ khu sơ tán nếu bị lạc hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Gia đình nhắc trẻ tuyệt đối không được đi theo hay nói chuyện với người lạ tại khu sơ tán, luôn đeo khẩu trang cho trẻ trong lúc di chuyển và ở tại khu vực sơ tán... Bố mẹ cần lắng nghe, động viên khi trẻ muốn chia sẻ vì khi đi sơ tán, trẻ em dễ cảm thấy bất an; chú ý phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em khi thiên tai xảy ra, nhất là đuối nước.

Đối với trường hợp có thiên tai nhưng không phải đi sơ tán, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa, cất đồ đạc, vật dụng quan trọng lên nơi cao ráo, tắt các nguồn điện trong nhà để tránh nước lũ lên cao làm hỏng đồ dùng.

Thiên tai xảy ra có thể không có nước sạch, không có điện, mỗi gia đình cần chủ động chuẩn bị nước uống đủ dùng trong 5-7 ngày, dự trữ các loại thực phẩm có hạn sử dụng dài và không cần chế biến, đèn pin, đèn dầu để chiếu sáng, sạc đủ pin điện thoại và các thiết bị cần thiết khác...

Giai đoạn phục hồi sau thiên tai, người dân cần thực hiện việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch; tiếp tục quan tâm đến việc truy vết đối tượng mắc COVID-19, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch...

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, các địa phương rà soát lồng ghép công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phương án ứng phó thiên tai cho phù hợp, điều chỉnh việc sơ tán dân theo hướng tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và nhân dân ở những nơi có nguy cơ cao. Đồng thời, các địa phương cần nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số,…

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng; danh sách các tổ và phương án thay thế, bổ sung nhân sự, danh sách đối tượng yếu thế, các trường hợp F0, F1, F2, khai báo y tế và phương án đi chuyển đến khu sơ tán, khu cách ly y tế; sơ đồ bố trí khu sơ tán, khu cách ly, kho, các công trình, danh sách các phương tiện huy động, nhu cầu huấn luyện, đào tạo, tập huấn, diễn tập; nhu cầu bổ sung vật chất...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
15 tỉnh chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
15 tỉnh chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Ngày 23/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Văn bản số 386/VPTT gửi các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN