Chủ động đối phó với mưa lớn, bão mạnh

“Trong tháng 7 có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông dù ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, tại các tỉnh Bắc Bộ, đây là tháng chính của mùa mưa nên có khả năng xảy ra 3 đến 4 đợt mưa vừa, mưa to”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định.


Tiềm ẩn yếu tố bất thường


Ngay trong những ngày đầu năm 2013, Biển Đông đã hứng chịu cơn bão đầu tiên của năm; nhưng năm nay, phải đến tận giữa tháng 6, cơn bão đầu tiên mới xuất hiện. Ông Lê Thanh Hải cho biết, điều này nói lên tính chất bất thường, không theo một quy luật nào của thời tiết.

 

Nhà của người dân ở thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị chìm trong trận lũ ngày 19/9/2013. Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN


Theo dự báo, năm nay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng 9 - 10 cơn (trung bình các năm khoảng 10 - 12 cơn) và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta cũng ở mức ít hơn mọi năm, khoảng 4 - 5 cơn (trung bình nhiều năm khoảng 5 - 6 cơn). “Tuy nhiên, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2014 tiềm ẩn yếu tố bất thường. Cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc áp thấp nhiệt đới, bão ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn”, ông Hải khuyến cáo.

Nhận định diễn biến khí tượng thủy văn:

- Tần suất bão giảm

- Mưa cực đoan có xu thế giảm ở vùng duyên hải và tăng ở khu vực Tây Nguyên.

- Hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn, hạn hán kéo dài trở nên nghiêm trọng hơn.

- Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn và tồn tại lâu hơn, đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn ở khu vực phía Nam.

(Nguồn: Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường)


Cũng theo dự báo, trong tháng này, nhiều khả năng bão, áp thấp nhiệt đới chưa ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nhưng khu vực phía Bắc phải hứng chịu 3-4 đợt mưa vừa, mưa to. “Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc cần chủ động đề phòng mưa lớn trong thời đoạn ngắn có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất đá”, ông Hải nhận định.


Về lượng mưa, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dù phải hứng chịu 3 - 4 đợt mưa lớn nhưng nhìn chung tại các tỉnh vùng núi phía bắc Bắc Bộ, lượng mưa tháng 7 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 40%. Riêng khu vực ven biển phía đông và đồng bằng Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với các năm. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ còn tiếp tục xuất hiện trong tháng 8 tới. Với các tỉnh ven biển Bắc và Trung Trung Bộ, lượng mưa trong tháng 7 phổ biến cũng ở mức tương tự các năm; nhưng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lại thấp hơn từ 20% đến 40% so với trung bình nhiều năm.


Nền nhiệt độ của các vùng trong cả nước trong tháng 7 ở mức tương đương trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng dao động từ -0,5 đến 0,5 độ C.


Đứng ở góc độ dự báo dài hơi hơn, ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường) cho rằng, trong tương lai, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng giảm; tuy nhiên, tần suất đổ bộ vào đất liền nước ta lại không có xu thế rõ ràng. Số cơn bão rất mạnh (trên cấp 12) cũng sẽ gia tăng; mùa mưa bão cũng sẽ kết thúc muộn hơn.


Chuẩn bị hộ đê, chống lụt


Năm ngoái, có 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 9 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta, nhiều nhất trong vòng 50 năm qua. Hệ quả là nhiều tuyến đê đã xuất hiện sự cố, có những sự cố nguy hiểm, gây mất an toàn cho hệ thống đê, như sự cố nứt đê tả sông Đuống; đùn sủi đê hữu Cầu (Bắc Ninh); sạt lở đê hữu Thương (Bắc Giang); nứt, sạt lở đê tả Chu (Thanh Hóa)…


Do vậy, để chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão năm 2014 và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra, phát hiện và giải quyết kịp thời vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ tu bổ, nâng cấp đê; duy tu bảo dưỡng cho toàn hệ thống đê điều. Riêng với những công trình đã xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm ngoái, các địa phương phải đặc biệt quan tâm.


Riêng với hệ thống cống dưới đê, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng để sửa chữa những công trình bị hư hỏng; lên phương án bảo vệ những cống xung yếu và hoành triệt tạm thời hoặc vĩnh viễn những cống đã hết hạn sử dụng. “Đối với những cống không đảm bảo an toàn, phải hoành triệt trước mùa lũ, bão năm 2014. Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm ngặt quy trình đóng mở. Với những cống chưa có quy trình, các địa phương phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng ngay trong mùa mưa lũ năm 2014”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.


Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án hộ đê trong điều kiện có bão, lũ cực lớn, đặc biệt là phương án chống tràn; tổ chức lực lượng thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động. “Đặc biệt, các địa phương phải kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và năng chặn hành vi vi phạm mới”, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.


Huyền Tím

Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả mưa bão
Quảng Ngãi tập trung khắc phục hậu quả mưa bão

Tuy không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhưng bão số 11 đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng xã hội, tài sản vật chất của hàng nghìn hộ dân các địa phương trong tỉnh, ước trên 85 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN