Chống chọi với sạt lở

Mùa mưa lũ đang về cộng với hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến vùng đất hạ nguồn sông Mê Công cứ “trôi dần” theo từng con nước. Trong những nơi chúng tôi qua, vài năm trước còn là vùng bãi bồi, vùng nuôi tôm, nuôi sò huyết, mang lại cho người dân hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, giờ thành một vùng nước mênh mông…


Trôi cả cơ nghiệp


Khoát tay một vòng, anh Đoàn Văn Dự ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết, vài năm trước đây cả khu vực này là những dãy đìa nuôi sò huyết, và nuôi tôm. Trung bình mỗi vụ, khu vực này cho thu từ vài chục đến cả trăm triệu đồng tùy nuôi nhiều hay ít. Tuy nhiên, chỉ mới khoảng 3 năm trở lại đây, những đìa này bị sóng đánh lở cả trăm mét đất. Bốn đìa nuôi tôm và sò huyết phía sát bờ sông bị trôi hoàn toàn. Các hộ dân mất đất đã lần lượt phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Hiện chỉ còn mỗi gia đình anh Dự còn một đìa nuôi sò huyết. Nhưng với mức độ sạt lở như hiện nay, chắc chẳng bao lâu nữa, gia đình anh cũng sẽ phải tìm nơi khác, nghề khác.


Nhà cửa và đường bê tông bị sóng đánh sập.


Mặc dù, đến nay chưa có đánh giá chính thức nào tại tỉnh Kiên Giang về sự thay đổi qua các thời kỳ của bờ biển và những tổn thương ven biển, nhưng theo kết quả điều tra sơ bộ hiện trạng bờ biển do Dự án GIZ Kiên Giang thực hiện năm 2012 cho thấy, rất nhiều khu vực bờ biển tại tỉnh này bị xói lở tương đương với 30 km bờ biển. Dựa vào không ảnh trong quá khứ và hiện tại cho thấy, bờ biển tại huyện Hòn Đất bị xói lở 24 m mỗi năm.

Nhà cửa và đìa tôm đều bị sóng cuốn đi.


 

KS Nguyễn Long Hoai - Chi cục trường chi cục Thủy lợi Cà Mau: Gian nan giải pháp khắc phục

Tại các điểm sạt lở ở Cà Mau, các ngành chuyên môn đã áp dụng rất nhiều biện pháp khắc phục như kè bằng cừ tràm, cừ bản nhựa rồi kè rọ đá... nhưng cũng chỉ qua một hai mùa gió, mùa lũ, các bờ kè này cũng bị cuốn trôi.

Từ năm 2009 đến nay, đê biển của tỉnh Cà Mau không xảy ra hiện tượng vỡ đê. Với những vị trí xung yếu, tỉnh áp dụng biện pháp kè tạm thời rồi kè ngầm. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã thực hiện biện pháp kè ngầm tạo bãi cho trên 300 m bờ biển. Sau khi xem xét thấy phương pháp kè này rất hiệu quả, tỉnh đang nhân rộng phương pháp này để bảo vệ cho hơn 6.000 m bờ biển.

Phương pháp kè ngầm tạo bãi được đúc rút từ các dạng kè đã sử dụng trong thời gian qua. Đây là loại kè dùng 2 hàng cọc bằng bê tông ly tâm, với chiều dài là 7 mét, cắm làm 2 hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 2 m, mỗi cọc cách nhau 15 cm, để thả đá hộc vào giữa. Quá trình nước tràn qua đỉnh kè, và nước róc rách qua kẽ đá, giảm năng lượng sóng, không gây sạt lở bên trong. Loai kè này được làm bằng bê tông nên tuổi thọ khá dài và tạo bãi gây bồi do giữ lại đất bên trong kè. Sau khoảng 1- 2 năm xây kè, bên trong bãi lở bắt đầu xuất hiện các loại cây ngập mặn như cây mắm.

Ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở nông nghiệp
và phát triển nông thôn An Giang:

Di dời cũng khó cho dân

An Giang hiện có gần 50 điểm sạt lở, có những điểm sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, đặc biệt là tại thị xã Tân Châu, TP Long Xuyên và những huyện ven sông Tiền và sông Hậu, như Châu Phú, Phú Tân…

Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tình hình biến đổi khí hậu, áp lực lũ chảy mạnh, hạn hán, dao động về thủy triều. Địa chất vùng này là đất phù sa cát pha đất cũng khiến dễ xảy ra sạt lở hơn so với những vùng đất sét. Bên cạnh đó, việc khai thác cát lậu cũng là nguyên nhân gây sạt lở.

Theo dự báo, mùa mưa lũ năm nay, lũ ở mức trung bình nhưng cũng không loại trừ lũ lớn. Do vậy, tỉnh An Giang cần rà soát lại những điểm đã sạt lở để có kế hoạch di dời dân.

Xã An Minh là một trong ba vùng sạt lở nghiêm trọng nhất của Kiên Giang. Ngoài ra, các xã Thuận Hòa, Tân Thạnh, Vân Khánh, Vân Khánh Đông của huyện Hòn Đất cũng bị sạt lở nghiêm trọng không kém. Tại các xã Lình Huỳnh, Thổ Sơn, Bình Sơn, chiều dài sạt lở mỗi năm khoảng 13 km và An Biên khoảng 2 km ở khu vực Mũi Rảnh. Tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng khiến cuộc sống của cư dân ven biển bị đe dọa.


Ông Lê Văn Ca ở ấp 9A xã Thuận Hòa cho biết, trước đây ông có cả chục vuông tôm, thu nhập ổn định, nhưng mấy năm nay tình trạng sạt lở đã làm gia đình ông trắng tay. Khi không xảy ra sạt lở, việc đánh bắt thủy sản cũng rất dễ dàng. Ngoài thu nhập từ nuôi trồng thủy sản, khoảng thu nhập từ đánh bắt cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ khi có hiện tượng sạt lở đến nay, tại khu vực bãi lở, các loài hải sản cũng rất ít. Vài năm trở lại đây, ông đành xếp lưới. Ngay cả căn chòi ông cất tạm bợ bên bờ sông cũng đã phải di dời mấy lần, hiện nay thì không biết di dời đi đâu nữa vì đất đã hết. Hàng ngày nhìn cảnh sóng đánh ầm ầm ngay sát chân nhà mà ông nơm nớp lo sợ…


Mất rừng phòng hộ


Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, do đây là một địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng biến đổi khí hậu. Khảo sát dọc tuyến bờ biển, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cánh rừng ngập mặn đang mất dần theo từng cơn sóng.


KS Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng nhất từ khoảng năm 2009 đến nay. Trước đây, đai rừng phòng hộ của tỉnh Cà Mau dày hơn 500 m, nhưng đến thời gian này, đai rừng phòng hộ của tỉnh mỏng dần, thậm chí có chỗ không còn rừng phòng hộ.


Tuyến đê biển Tây dài khoảng 93 km, thì có khoảng hơn 40 km bị sạt lở. Tình trạng này xảy ra nghiêm trọng nhất vào mùa gió tây nam. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khá nghiêm trọng ở khu vực Đất Mũi, Khai Long và cửa sông Gành Hào. Ở các tuyến đê này, trung bình mỗi nơi có khoảng từ 2 - 4 km bị sạt lở. Tại các điểm chúng tôi đến, phần lớn không còn rừng phòng hộ để bảo vệ đê. Những cơn sóng cấp 6, cấp 7, ngày đêm đánh trực tiếp lên mặt đê, khiến nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất kì lúc nào. Khoảng 10.000 ha đất sản xuất ở các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau cũng đối diện với nguy cơ bị nước mặn xâm nhập do vỡ đê. Đó là chưa kể đến việc tính mạng của người dân cũng có thể gặp nguy hiểm trước nguy cơ sạt lở đang rình rập.


Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, vấn đề sạt lở bờ biển của tỉnh Cà Mau đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do tình trạng biến đổi khí hậu. Mặc dù bão và áp thấp nhiệt đới hàng năm xảy ra trên Biển Đông và cách xa tỉnh Cà Mau, nhưng bờ biển tỉnh này lúc nào cũng có sóng gió cấp 6, cấp 7, thậm chí là trên cấp 7, đánh trực tiếp vào bờ. Có những vị trí, trong vòng một năm, sóng đánh mất đi hơn 50 m đai rừng phòng hộ.


Ngay cả lượng phù sa sông Mê Công, những năm gần đây cũng diễn biến thất thường. Những năm trước, mưa thuận gió hòa, dòng chảy ổn định, dòng Mê Công luôn bồi đắp phù sa cho các tỉnh ven biển của ĐBSCL trong đó có tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng phù sa thay đổi thất thường và ít hẳn so với những năm trước, tình trạng bồi lắng phù sa không như trước đây nữa.


Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN