Cách đây 9 năm, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ ra đời đã tạo nên một bước ngoặt lớn về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực tế cho thấy, cùng với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, việc tín dụng chính sách cần phải tách bạch với tín dụng thương mại là một tất yếu khách quan. Tín dụng chính sách có đặc thù vươn đến vùng sâu vùng xa, với món vay nhỏ, mức độ rủi ro cao, cần thủ tục đơn giản... Còn tín dụng thương mại phải vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường.
Người dân đến giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chợ Mới |
Đến nay, hệ thống tín dụng chính sách đã đến tất cả các xã trên toàn quốc, với hơn 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội đoàn thể ở khắp các thôn, bản, làng. Tổng dư nợ là hơn 92.400 tỷ đồng, tăng hơn 13 lần so với khi mới thành lập, với hơn 10 triệu khách hàng. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng thể hiện qua các con số: Góp phần giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo; thu hút được hơn 2,1 triệu lao động có việc làm mới; 1,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn; xây dựng được 174.000 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Sự phát triển của tín dụng chính sách cũng góp phần thay đổi nhận thức về phương pháp xóa đói giảm nghèo. Trước kia, chúng ta chuyển từ “cho con cá” sang “cho cần câu”, rồi vẫn chưa đủ mà phải “hướng dẫn cách câu”. Thì nay, phương thức cho vay “cần câu” tiếp tục khắc phục được thêm nhiều hạn chế cũ. Việc cho vay sẽ giúp người được vay không còn tâm lý trông chờ ỷ lại (cho dù lãi suất vay là ưu đãi) và đương nhiên họ đã biết “cách câu” hoặc nếu không sẽ tự giác học “cách câu”. Ngay cả như chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập, các bạn trẻ không phải lo đầu tư sản xuất ngay, nhưng việc được vay vốn cũng nâng cao ý thức vươn lên trong học tập, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn ngay từ khi ngồi ghế nhà trường.
Tuy nhiên, phương thức cho vay “cần câu” cũng cần phải đổi mới cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội. Đối tượng có nhu cầu “cần câu” không chỉ là người nghèo, mà có cả cận nghèo, đối tượng thu nhập thấp... Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cấp cũng có hạn, cần phải huy động thêm từ nguồn xã hội hóa. Bởi vậy, các ngành, đặc biệt là các địa phương cần quan tâm hơn đến phương thức cho vay “cần câu”, đa dạng các hình thức, đối tượng cho vay, nguồn vốn... Có thể tùy theo từng đối tượng nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn... mà có điều kiện cho vay, lãi suất, mức cho vay khác nhau. Với "cách trao" linh hoạt, những chiếc "cần câu" của Nhà nước đến với nhân dân sẽ ngày càng phát huy hiệu quả hơn.
Bắc Hà