Cho trẻ tiêm vắc xin đúng lịch phòng viêm não Nhật Bản

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Người dân đưa trẻ đi tiêm phòng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản trong số viêm não vi rút là khoảng 9%, so với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 20,1%. Theo báo cáo của của Bệnh viện Nhi Trung ương, đến ngày 25/6, tại Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 36 bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản B, trong đó Hà Nội có 11 ca chiếm 30%; đặc biệt có 6 ca nặng phải thở máy.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi; nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

Đặc biệt, biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất là cho trẻ tiêm đầy đủ vắc xin viêm não Nhật Bản theo đúng lịch. Theo đó, 3 liều cơ bản tiêm cho trẻ là: Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Lợn và chim là những ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu, bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18 - 22 giờ.

Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện như sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Sốt cao từ 38-39 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn.

Khi trẻ mắc bệnh sẽ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).



Thu Phương
Phòng chống bệnh nhiễm liên cầu lợn ở người
Phòng chống bệnh nhiễm liên cầu lợn ở người

Sở Y tế Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường các biện pháp phòng chống lây lan hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút corona (Mers – Cov) và tăng cường giám sát và phòng chống nhiễm liên cầu lợn ở người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN