Truyền thống anh hùng trong chiến đấu đã và đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân huyện Hướng Hóa phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng quê hương.
Mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, cuối năm 1967 Mỹ - Ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược buộc phải chuyển về phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Để thực hiện ý định này, Mỹ - Ngụy xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố vững chắc trên Đường 9, đồng thời bố trí khoảng 45.000 quân cùng nhiều vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại.
Ngay sau khi đánh giá kỹ lưỡng về tình hình của địch, thế và lực của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Theo đó quân và dân ta dùng bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đánh vào thị xã, thành phố trọng điểm gồm: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; đồng thời phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.
Thực hiện chủ trương này, từ đêm 20/1/1968 quân và dân ta tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc Mỹ - Ngụy phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ngày 9/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi.
Quân và dân ta đã tiêu diệt 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng nghìn súng các loại, hàng trăm tấn đồ dùng quân sự và lương thực. Qua đó quân và ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường 9, giữ vững tuyến đường chi viện từ Bắc vào Nam và giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn 10.000 dân. Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Trong bức điện khen ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”.
Đại tá Trần Bình, cựu chiến binh Sư đoàn 304 – đơn vị trực tiếp đánh địch trên Đường 9 – Khe Sanh kể: Để đánh địch ở Đường 9 – Khe Sanh, quân và dân ta ngày đêm đào công sự để thực hiện chiến thuật “vây, lấn” địch, đặc biệt ở Sân bay Tà Cơn. Trong khi đó Mỹ - Ngụy ra sức ném bom rải thảm nhằm tiêu diệt quân và dân ta. Bom đạn của địch rải xuống dường như không sinh vật nào sống nổi nhưng quân và dân ta vẫn kiên trì, anh dũng thực hiện “vây, lấn” Sân bay Tà Cơn trong 50 ngày từ 10/2 đến ngày 31/3/1968.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng, Chiến thắng Khe Sanh - Giải phóng Hướng Hoá đã góp phần tạo bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; tạo đà để quân và dân ta giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972; góp phần cùng với Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris năm 1973 tiến tới đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng
Hướng Hóa là huyện miền núi biên giới tiếp giáp với các địa phương của nước bạn Lào. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Hướng Hóa tập trung khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Đó là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Đường 9 anh hùng năm xưa nay là Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối Thái Lan, Myanmar, Lào với miền Trung Việt Nam; phát triển điện gió, du lịch và nông sản là đặc sản của địa phương.
Hướng Hóa đang dần trở thành “thủ phủ” điện gió ở khu vực miền Trung với 29 dự án được cấp chủ trương đầu tư, trong đó 19 nhà máy đã đi vào vận hành với tổng công suất 630MW, còn lại 10 dự án với tổng công suất 400MW đang triển khai xây dựng. Điện gió mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường khi 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất; trong đó có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời. Khi triển khai các dự án điện gió, khoảng 80 km đường giao thông được mở ra với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, đã giúp kết nối tốt hơn giữa các xã vùng biên giới và với các tuyến Tỉnh lộ, Quốc lộ để vận chuyển hàng hóa. Các cánh đồng điện gió cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, trở thành sản phẩm du lịch tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo luôn tấp nập người và phương tiện qua lại giữa hai nước Việt Nam - Lào. Năm 2022 phương tiện vận tải qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt hơn 181.830 lượt, hành khách xuất nhập cảnh đạt 438.405 lượt, mỗi năm thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng từ thuế xuất, nhập hàng hóa. Cách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo không xa là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập từ năm 1998 với diện tích hơn 15.800 ha, đến nay đã thu hút được 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 7.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.
Tỉnh Quảng Trị đang xây dựng Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan (Lào) có quy mô. Về phía Việt Nam là Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích trên 15.800ha gồm hai thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh và các xã Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Phía Lào là Khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) gồm 13 bản có chiều dài 19 km. Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan dự kiến thực hiện thí điểm từ tháng 10/2024 với nhiều chính sách vượt trội về thuế và đầu tư hạ tầng.
Huyện miền núi Hướng Hóa cũng tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng thế mạnh. Trong đó chuối mật mốc là một trong những cây ăn quả chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao với diện tích trên 3.000 ha. Chuối mật mốc ở Hướng Hóa được người tiêu dùng ưa chuộng bởi quả to đều, màu sắc đẹp, sản xuất theo phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chuối mật mốc ở Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Cà phê cũng là cây trồng chủ lực ở huyện Hướng Hóa với trên 4.000 ha. Thương hiệu "Cà phê Khe Sanh" đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Hiện nay địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân tái canh và trồng mới cà phê để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra Hướng Hóa còn tập trung phát triển các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao khác như hồ tiêu, chanh leo, cây gỗ rừng trồng... qua đó mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Đối với du lịch, huyện Hướng Hóa tập trung phát triển du lịch về nguồn kết hợp du lịch sinh thái và trải nghiệm. Địa phương đã và đang khai thác hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Làng Vây, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo; vẻ đẹp của thác Tà Puồng cùng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Phát triển kinh tế đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách ngân sách nhà nước trên địa bàn với hơn 1.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng; 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 99%.
Theo Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng, thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội là kết quả của sự kế thừa liên tục của nhiều thế hệ kiên cường trong chiến đấu, năng động sáng tạo trong xây dựng và phát triển quê hương. Tinh thần này được hun đúc từ truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương tạo nên bản sắc riêng trong tâm hồn, khí phách và khát vọng của người dân Hướng Hóa. Đây chính là hành trang lớn nhất để Đảng bộ và nhân dân Hướng Hóa vững bước tiến vào tương lai.