Truyền đạt thông tin qua mạng xã hội
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (bí thư chi bộ 5, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi có 4-5 nhóm zalo để thông tin liên lạc, như nhóm các bí thư chi bộ của phường, nhóm các đảng viên chi bộ, nhóm đảng viên 2 chiều… Mục đích chính để trao đổi thông tin, công việc… Với chi bộ đông lại kiêm tổ trưởng dân phố, dân cư theo tổ dân phố trước đây chỉ từ 30-50 hộ, nay lên hơn 300 hộ, nếu không có phương thức tuyên truyền mới sẽ khó đạt hiệu quả”.
“Đúng là với người lớn tuổi ban đầu tiếp cận công nghệ có những cái khó nhưng khi sử dụng rồi, thấy sự tiện lợi thì nhiều người lại muốn dùng. Đó là cách truyền thông tin nhanh và hữu ích”, bà Lan nhận định.
Tại chi bộ 4, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), ông Nguyễn Đăng Lực (67 tuổi) cũng sử dụng mạng xã hội, email để gửi thông tin tới đảng viên. Chi bộ 4 lãnh đạo 2 tổ dân phố số 6 và số 4 với gần 800 hộ dân. Khu vực này là khu dân cư truyền thống, hay còn gọi là xóm Dưới của thị trấn Cầu Giấy trước đây. Toàn chi bộ có 114 đảng viên (trong đó miễn sinh hoạt 35 đảng viên). Quá trình đô thị hóa, nhiều người trong làng bán đất nên dân số là người dân gốc chiếm 45%, còn lại là người nơi khác chuyển đến. Có đến 90% đảng viên là cán bộ về hưu nơi khác đến, chỉ có 10% là người gốc địa phương.
“Dẫu có tuổi và ứng dụng công nghệ khó nhưng chính đảng viên cũng nêu gương trong việc này, để từ đó thay đổi nhận thức, chuyển đổi cách làm cho phù hợp với tình hình mới của chi bộ. Có như vậy, đảng viên trẻ sẽ nghe theo”, ông Lực nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Hậu, bí thư chi bộ 1 (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn chủ động hướng dẫn cài ứng dụng mạng xã hội cho tất cả đảng viên. “Nhiều người có tuổi ngại với các ứng dụng mới nên hễ ai có smart phone, tôi chủ động cài đặt bởi đó là phương tiện hữu hiệu để truyền tin thời đại này. Để phổ biến đến toàn bộ các đảng viên các chính sách là điều khó nên chuyển tài liệu trước và đến kỳ sinh hoạt thì chỉ tóm lược và giao lưu, tạo không khí vui vẻ. Chứ chi bộ mở rộng, không có công nghệ thông tin thì không thể đi hết ngần đó đảng viên để phổ biến”, ông Hậu chia sẻ.
Thúc đẩy đảng viên hai chiều vào cuộc
Do đảng viên trong chi bộ tại khu dân cư phần lớn là người cao tuổi nên để xây dựng phong trào hoạt động, nhiều nơi phát huy vai trò của đảng viên sinh hoạt hai chiều vào cuộc xây dựng khu dân cư mới.
Chi bộ 10 (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) có 82 đảng viên (trong đó có 9 đảng viên sinh hoạt ghép) với độ tuổi trên 62, thuộc địa bàn tổ 13 mới sau khi sáp nhập 2 tổ dân phố cũ với 350 hộ dân và sắp tới thêm 255 hộ dân nữa của tòa chung cư sông Hồng (165 Thái Hà). Ông Trần Anh Hòa, bí thư chi bộ 10 cho biết: “Để làm sao phát huy vai trò của chi bộ đảng tại cơ sở là bài toán cần sự vào cuộc của những đảng viên, kể cả đảng viên sinh hoạt hai chiều”.
Với 102 đảng viên sinh hoạt hai chiều, ông Trần Anh Hòa lập riêng group zalo để huy động sự tham gia của các đảng viên trẻ trong phong trào tại khu dân cư. Từ đó, các chính sách, chủ trương tại khu dân phố đều được phổ biến kịp thời đến đảng viên, huy động được sự tham gia góp ý, vào cuộc để giải quyết các vấn đề địa phương. Như trong đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, chi bộ đã thực hiện nghiêm túc. Nhiều đảng viên đã đóng góp thông qua chuyển khoản, nhất là đảng viên sinh hoạt hai chiều. Chi bộ 10 đóng góp nhiều nhất cho quỹ ủng hộ phòng chống COVID-19 của phường, lên tới 27 triệu đồng. “Nếu không có công nghệ thông tin thì khó vận động và quyên góp được nhiều như vậy”, ông Hòa khẳng định.
Tại chi bộ 1 (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bà Lê Thị Tịnh, bí thư chi bộ cho biết: Khu dân cư gồm 2 tổ vốn là làng cổ Mai Động xưa có nghề làm đậu mơ, với 670 hộ dân. Đoàn kết khu dân cư, xây dựng phong trào xanh sạch đẹp luôn được chi bộ đề cao, trước hết là cán bộ đảng viên. Bà Tịnh xác định luôn phải đi sâu sát đảng viên và người dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, để từ đó khi họp bàn trong chi bộ kịp thời có những định hướng giải quyết.
Cũng ở phường Mai Động, tại ngõ 108 phố Mai Động có bức tường dài của trường mầm non thường xuyên bị người dân bỏ rác không đúng quy định. Ông Vũ Đức Chiêu, bí thư chi bộ 7 trăn trở: “Lắp camera theo dõi rồi phạt cũng là một cách nhưng để bền vững phải thay đổi ý thức của người dân từ việc vẽ tranh cổ động và sự phong quang sạch đẹp”.
Do đó, tại buổi họp chi bộ 7, ông Chiêu đã nêu ý tưởng và để đảng viên thảo luận. Mọi người đều ủng hộ vẽ bức tranh tường để tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân. Đảng viên Nguyễn Đình Tranh là họa sĩ lên ý tưởng thiết kế. Một số đảng viên khác đóng góp kinh phí. “Số tiền đóng góp ban đầu không đủ để vẽ tranh nhưng tôi vẫn quyết định làm bởi nếu thấy ngõ phố sạch đẹp hơn, mọi người sẽ ủng hộ”, ông Chiêu chia sẻ.
Sau khi có bản thiết kế 14 ô chia theo chủ đề về vận động người dân vệ sinh môi trường, ông Chiêu vận động được một số họa sĩ, kiến trúc sư góp sức, công việc được triển khai từ đầu tháng 5. Khi thấy đảng viên và quần chúng làm tổng vệ sinh bức tường để triển khai vẽ, ngay lập tức đã có đảng viên hai chiều ủng hộ chi phí để sơn lót cả bức tường, rồi các hộ dân cũng tự nguyện đóng góp. Nhờ đó, sau 2 tuần triển khai, bức tranh tường được hoàn thiện. Khi có bức tranh tường và sự vận động của chi bộ và quần chúng đoàn thể, người dân không còn bỏ rác tại chân tường như trước. “Thậm chí qua camera theo dõi, có những người vứt ra tại đó nhưng một lúc sau tự họ quay lại lấy đem đi đổ chỗ khác. Có lẽ do họ cảm thấy vứt rác tại một điểm sạch đẹp của cả khu nên thấy xấu hổ mà tự giác thực hiện. Điều đó cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh chung đã tốt hơn”, ông Vũ Đức Chiêu chia sẻ.
Clip xóa chân rác bằng bức tranh tường:
Sau thành công của chi bộ 7, mô hình xóa chân rác và tạo cảnh quan được phường Mai Động phổ biến để các chi bộ khác học tập và được quận Hoàng Mai đánh giá là mô hình hay trong làm xanh sạch đẹp tuyến phố, thay đổi nhận thức về vệ sinh môi trường của cả khu.
Ông Chiêu cho biết: Chi bộ 7 có 52 đảng viên, trong đó 12 người được miễn sinh hoạt do tuổi cao. Tính bình quân tuổi đảng trong chi bộ là gần 70. “Tuy có nhược điểm là tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng ngược lại có tiếng nói và được người dân nghe theo, nhất là từ gia đình, hàng xóm láng giềng. Do đó, tại các cuộc họp chi bộ, tôi phải tranh thủ ý kiến đóng góp và kêu gọi sự gương mẫu của đảng viên để tạo dựng phong trào. Nếu phong trào được đảng viên, người cao tuổi ủng hộ thì sẽ lan tỏa nhanh trong quần chúng”.
Quy định 213-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. Quy định đảng viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ và tích cực tham gia các cuộc họp khác do cấp ủy nơi cư trú triệu tập; tích cực tham gia góp ý kiến với chi ủy, chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc ở thôn, bản, tổ dân phố.
Bài 3: Đảng viên “đi trước” ở các chung cư mới