Sau hơn 1 ngày làm việc, sáng 9/5, Hội đồng tư vấn chuyên môn Sở Y tế Kon Tum (có sự tham gia của đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên) đã có kết luận về việc cháu gái Trần Nhã Kỳ (1 tháng tuổi) ở thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) tử vong sau khi tiêm vắcxin phòng lao (BCG).
Theo đó, cơ quan chuyên môn khẳng định: Việc trẻ tử vong chưa thấy có mối liên quan đến vắcxin cũng như thực hành tiêm chủng, tử vong không rõ nguyên nhân do không đủ yếu tố khẳng định vì không mổ tử thi và không đến cơ sở y tế. Để có kết luận trên, Hội đồng tư vấn chuyên môn dựa trên cơ sở kết quả điều tra, phân tích chi tiết theo 5 nhóm nguyên nhân có thể liên quan đến phản ứng sau tiêm chủng, gồm: nguyên nhân do chất lượng vắcxin; do phản ứng cá thể quá mẫn cảm với vắcxin; do thực hành tiêm chủng; trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác và không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn chuyên môn Sở Y tế tỉnh Kon Tum cũng đưa ra khuyến cáo: Tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên theo đúng kế hoạch; tăng cường công tác giám sát, xử lý các phản ứng sau tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh và tăng cường công tác tư vấn sau tiêm chủng, hướng dẫn bà mẹ theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà sau tiêm chủng.
Trước đó, chiều 5/5, cháu Kỳ được người nhà đưa đi tiêm vắcxin phòng lao (BCG) tại Trạm y tế phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum. Về nhà cháu ngủ được, bú tốt, chỉ bị sốt nhẹ và gia đình cũng không cho cháu uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên đến 2 giờ ngày 7/5, mẹ cháu phát hiện bé đã tử vong. Qua kiểm tra rà soát của ngành y tế địa phương, đến nay, 24 cháu bé cùng được tiêm phòng lao tại Trạm y tế phường Quyết Thắng cùng ngày với cháu bé xấu số đều có sức khỏe ổn định.
Cao Nguyên