Chuyện về những người canh giữ biển

Chất 'thép' của thuyền trưởng tàu kiểm ngư 765

Hiền lành, chất phác là điều dễ dàng cảm nhận khi tiếp xúc với thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN 765 Phạm Thành Trung. Ẩn sau sự dễ mến đó lại là một người thuyền trưởng bản lĩnh, kiên cường, chỉ huy con tàu vững vàng bám biển từng phút, từng giờ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thuyền trưởng Phạm Thành Trung chỉ huy tàu đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp.


Vị thuyền trưởng rắn rỏi

Mới gặp ít ai nghĩ  Phạm Thành Trung - thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN 765 - sinh năm 1984, tức năm nay mới 31 tuổi. Anh Trung trông già dặn hơn so với tuổi bởi khuôn mặt rắn rỏi và làn da rám nắng đặc trưng của những người đi biển lâu năm. Mới hơn 30 tuổi nhưng Trung đã có kinh nghiệm đi rất nhiều khu vực biển của Việt Nam. Trung tâm sự, ngay từ nhỏ, hình ảnh những anh ngư dân, chú lính hải quân đen sạm ngày ngày rong ruổi trên biển khơi đã in đậm vào tâm trí khiến anh yêu biển lúc nào không hay.

Chính tình yêu đó đã khiến Trung sau khi tốt nghiệp PTTH quyết tâm theo học chuyên ngành điều khiển tàu biển. Ra trường, anh cùng tàu vận tải đi cung cấp dầu, lương thực… cho ngư dân trên vùng biển, quần đảo Trường Sa. Đến tháng 2/2013, khi lực lượng kiểm ngư ra đời, Phạm Thành Trung được nhận về công tác tại đây trên cương vị là thuyền trưởng tàu kiểm ngư 765, Chi đội Kiểm ngư số 3, Cục Kiểm ngư đóng tại TP Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Lương Điền, Bí thư chi bộ tàu kiểm ngư 765 cho biết, trong quá trình công tác, Trung luôn chứng tỏ được khả năng của mình, nhất là chứng tỏ bản lĩnh “thép” và khả năng chỉ huy tàu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, phản đối, ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thời gian qua.

Nhớ lại khoảng thời gian làm nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan và đoàn hộ tống trái phép của Trung Quốc, thuyền trưởng Phạm Thành Trung cho biết, đó là ngày thử sức, thử lửa với người giữ biển. Tàu kiểm ngư 765 cũng như các tàu thực thi pháp luật khác luôn thực hiện nghiêm đối sách đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, bình tĩnh, tỉnh táo, cơ động tàu vòng tránh trong khi các tàu của Trung Quốc tiếp cận đâm va, ủi đẩy, phun nước áp lực cao.

Hàng trăm lần áp sát giàn khoan làm nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 765 của thuyền trưởng Phạm Thành Trung đã bị tàu Trung Quốc đâm va gây hư hỏng không ít lần. Đặc biệt, vào ngày 3/5/2014, khi tàu kiểm ngư 765 cách giàn khoan 3,3 hải lý để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thì bị 2 tàu hải cảnh, 1 tàu kéo và 1 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vây ép, đâm va mạnh, dùng vòi rồng xịt vào ống khói máy chính. Hậu quả là 2/3 mạn phải của tàu, từ lan can đến sàn cabin móp méo. “Trong tình huống này, tôi vẫn bình tĩnh, đưa tàu thoát khỏi vòng vây. Khi đến vị trí an toàn, tôi cùng anh em nhanh chóng khắc phục hư hỏng để tiếp tục đấu tranh cùng các tàu khác”, anh Trung chia sẻ.

Bên cạnh việc ngăn cản, đấu tranh tuyên truyền yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam, tàu kiểm ngư 765 còn hỗ trợ, bảo vệ ngư dân để bà con yên tâm khai thác tại các ngư trường truyền thống; kịp thời cảnh báo cho bà con về hành động của các tàu Trung Quốc… Dưới sự chỉ huy linh hoạt của người thuyền trưởng trẻ tuổi, tàu kiểm ngư 765 luôn hoàn thành tốt  mọi nhiệm vụ. Tàu còn hỗ trợ cấp bổ sung nước ngọt, nhiên liệu trên biển cho các tàu cá...

Trung tâm sự: “Khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, mọi thử thách, gian khổ đều trở nên nhỏ bé. Được nhân dân tin tưởng giao phó giữ biển ở tuyến đầu, chúng tôi luôn động viên nhau vững vàng ý chí, không sợ sệt hoang mang bởi đây là vùng biển mà cha ông ta đã phải đánh đổi biết bao xương máu để gìn giữ”.

Trên cương vị chỉ huy tàu, anh luôn quyết liệt, tỉnh táo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Điểm tựa vững chắc nơi hậu phương

Cũng giống như nhiều người lính biển khác, chuyện đi biển dài ngày với anh Trung giờ đã trở thành công việc hàng ngày. Có những chuyến, Phạm Thành Trung cùng các kiểm ngư viên lênh đênh trên biển hàng tháng trời làm nhiệm vụ, chỉ về bờ tiếp liệu vài hôm rồi lại ra khơi giữ biển. Chính vì thế, những người vợ, người con của những người lính biển luôn chịu phần thiệt thòi. Vợ con của thuyền trưởng Phạm Thành Trung cũng không phải là ngoại lệ.

Cưới vợ được 3 năm nhưng thời gian Trung dành cho gia đình chỉ tính bằng ngày. Đứa con 2 tuổi mỗi năm chỉ được gặp bố khoảng 1 - 2 lần. Thế nhưng, vượt qua tất cả, chị Bùi Thị Hưởng (vợ thuyền trưởng Phạm Thành Trung) vẫn luôn động viên chồng vững vàng ý chí để hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày cuối tháng 4/2014, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí trên khu vực biển miền Trung trở về, Trung vui mừng khi vợ và con từ Hải Phòng vào thăm sau thời gian dài xa cách. Nhưng ngày 1/5, giàn khoan Hải Dương 981 hiện diện trong vùng biển của Việt Nam. 16 giờ 30 chiều hôm đó, Trung nhận lệnh tàu phải rời bến khẩn cấp lên đường thực hiện nhiệm vụ, khi ở với vợ con chưa được trọn một ngày.

Chỉ kịp chào vợ con một tiếng, thuyền trưởng Phạm Thành Trung cùng các đồng đội lên đường. Trung kể: “Tôi biết vợ buồn lắm vì vợ chồng xa cách đằng đẵng mà gặp nhau chưa được bao lâu. Bao dự định sum họp bên gia đình cũng tan biến. Nhưng khi Tổ quốc gọi chúng tôi phải gạt hết tình riêng để làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền mà nhân dân đã giao phó. Tôi tự nhủ không được mềm yếu, phải mạnh mẽ, giữ được sự bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo bởi cương vị và trách nhiệm của mình”.

Vội vã lên đường nên Trung cũng thành thật tâm sự “sau khi đi công tác, không biết vợ con về nhà bằng cách nào?” nhưng anh cũng biết, người vợ hiền không bao giờ trách móc mình bởi chị hiểu và thông cảm với công việc của anh.

Chị Bùi Thị Hưởng chia sẻ: “Em luôn cố gắng lo toan công việc ở nhà thật trọn vẹn để anh ấy yên tâm hoàn thành nhiệm vụ với đất nước. Nhà bọn em ở Hải Phòng nhưng mỗi tháng em đưa cháu về thăm ông bà nội ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) ít nhất 1 lần. Nhiều lúc cháu gọi ba ba em phải lấy máy tính mở video có hình của anh Trung cho cháu nó xem cho đỡ nhớ”.


Thu Phương

Biền biệt nhớ Lý Sơn
Biền biệt nhớ Lý Sơn

Lập nghiệp ở Hà Nội nhưng PGS.TS Lê Trọng (SN 1926) luôn hướng về quê hương Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi gắn với những ngôi mộ gió, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN