Theo đó, dự án có diện tích khoảng 1,92 ha. Tổng vốn đầu tư dự án tối thiểu khoảng hơn 78 tỷ đồng, theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Quy mô dự án triển khai tăng dần theo giai đoạn: đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là hơn 66 tấn/ngày. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 49 năm, kể từ ngày nhà đầu tư ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp vòng đời công nghệ ngắn hơn thời hạn hoạt động dự án, nhà đầu tư phải có giải pháp thay thế thiết bị, công nghệ hoặc thay thế dây chuyền để đảm bảo thời hạn hoạt động của dự án. Bên cạnh đó, các thiết bị, công nghệ, dây chuyền được thay thế phải đảm bảo phù hợp tiêu chí lựa chọn của dự án, đáp ứng yêu cầu môi trường và các quy định khác có liên quan.
Công nghệ áp dụng của dự án ưu tiên dây chuyền công nghệ có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các nước phát triển (G7, EU), có cam kết hoặc xác nhận công nghệ của bên sở hữu công nghệ hoặc bên cung cấp chuyển giao công nghệ. Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm phối hợp UBND huyện Côn Đảo lấy ý kiến hoặc thẩm định công nghệ theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, đảm bảo việc đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ và quy định pháp luật có liên quan.
Mục tiêu của dự án là xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Côn Đảo, tái chế một số sản phẩm có ích nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường, tạo ra môi trường thuận lợi về xử lý chất thải sinh hoạt để thu hút đầu tư khác đến đầu tư tại địa phương.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo phát sinh khoảng 11 tấn/ngày được thu gom về Bãi Nhát để lưu giữ, trong khi công suất xử lý bằng công nghệ đốt thô sơ chỉ đạt khoảng 5 tấn/ngày. Huyện Côn Đảo còn tồn khoảng hơn 70.000 tấn rác thải trong vòng 20 năm qua chưa được xử lý.
Đây là dự án được thực hiện theo Thông báo 572/TB-TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh sớm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kết hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Côn Đảo bằng nguồn xã hội hóa.
Riêng đối với Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 463/QĐ-UBND tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này. Theo đó, dự án có công suất khoảng 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày, với diện tích sử dụng đất không quá 5ha; yêu cầu phải là công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện có nguồn gốc, xuất xứ thuộc các nước phát triển được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan xác nhận, đảm bảo chất thải phát sinh trong giai đoạn vận hành được tái sử dụng tối đa, xử lý đạt các quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.
Theo lộ trình đề ra, đến năm 2021 Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chấm dứt việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang xử lý bằng các công nghệ tái chế thành phân compost, công nghệ đốt kết hợp xử lý khí thải, phát điện, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường… Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nào bằng công nghệ đốt, phát điện. Toàn tỉnh chỉ có một dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nên cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải.