Chăm trẻ khuyết tật ở Tiền Giang

Buổi sớm, ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật (Sở Giáo dục và Đào tạo) Tiền Giang thật yên ả. Tại những phòng Can thiệp sớm, mỗi phòng có dăm trẻ khuyết tật theo học, kèm theo mỗi trẻ là một vị phụ huynh và một giáo viên hướng dẫn. Lớp thật gọn nhẹ, hiệu quả.

Chăm sóc trẻ em khuyết tật. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Thầy Nguyễn Văn Đáng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi tuần các vị phụ huynh đưa con em mình đến đây từ 2 đến 3 buổi, học – tập phục hồi các chức năng, tạo điều kiện để trẻ hòa nhập cộng đồng. Mỗi buổi, các thầy cô giáo hướng dẫn từ 2 – 3 giờ đồng hồ.

Tham gia cùng các thầy cô giáo hướng dẫn là các phụ huynh, cha hoặc mẹ, có khi cả ông hoặc bà, cùng dỗ dành, hướng dẫn, tập phục hồi cho các cháu. Trẻ đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang thường bị các khuyết tập bẩm sinh, khó khăn về nhìn, nghe, vận động hoặc các dạng khác do di chứng não...

Ghé thăm một phòng Can thiệp sớm của Trung tâm, nơi thầy Trần Công Nghiệp và cô Nguyễn Thị Thanh Hòa đang hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho hai cháu trong độ tuổi 1 – 5 gặp các khó khăn về học và khó khăn về vận động, chứng kiến các thầy cô nhỏ nhẹ, kiên trì hướng dẫn, tập tành các cháu nhận biết về thế giới xung quanh, cách sử dụng các món đồ chơi vừa là dụng cụ học tập, các phản xạ cần thiết khác.

Công việc này đòi hỏi phải thật kiên trì, bởi khó khăn về học tập liên quan đến trí não, khó khăn về nghe, nhìn... mà các trẻ em bị bẩm sinh thực sự là một gánh nặng đối với gia đình, xã hội, cần sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ phục hồi, bằng các phương pháp mang tính khoa học, hiệu quả.

Tại phòng Can thiệp sớm, chị Trần Thị Thu Tuyết, mẹ cháu Bế Bình An, cho biết, chị được các giáo viên tận tình hướng dẫn cách dạy bé thông qua các trò chơi theo hướng chơi mà học và học mà chơi, trong các giờ học của bé, phụ huynh được trực tiếp cùng học, cùng tham gia thông qua phương pháp và tổ chức dạy khoa học, hiệu quả, phù hợp đặc điểm bệnh lý, tâm sinh lý trẻ... Nhờ đó, các bé tiến bộ nhanh, hồi phục mau lẹ các chức năng.

Có những gia đình không ngại đường xa khó nhọc đã đưa con em mình đến đây với mong mỏi được nhìn thấy các cháu phục hồi các chức năng, hòa nhập cộng đồng, cùng vui chơi, sinh hoạt, học hành như bạn bè trang lứa bình thường khác. Ông Thái Minh Hiền, quê xã Tân Phong, một vùng cù lao sông nước xa xôi của huyện Cai Lậy hàng tuần đều đưa cháu ngoại mình là Trần Thái Bảo, sinh năm 2005 đến đây để học tập, phục hồi. Ông Hiền cho biết, vào học tại Trung tâm, cháu Bảo tiến bộ nhanh về nhiều mặt.

Hay như bé Nguyễn Hoàng Gia Phát, cư ngụ tại thị trấn Cai Lậy chậm phát triển não bẩm sinh, tự kỷ và một số khó khăn về trí tuệ khác, theo học tại đây từ năm 2011 đến nay. Theo cô Nguyễn Thị Phụng là giáo viên hướng dẫn, cháu cũng có bước phục hồi rất tốt.

Thầy Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – Trẻ khuyết tật Tiền Giang cho biết, Trung tâm được thành lập năm 2009, hiện tiếp nhận gần 100 cháu gồm nhiều dạng tật được theo học ở các lớp Can thiệp sớm.

Mỗi trẻ đều được lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá từng giai đoạn phát triển và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nhìn chung, mỗi trẻ khuyết tật dù nhẹ hay nặng đều có năng lực riêng cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Hàng tuần, giáo viên Trung tâm phối hợp cùng gia đình đề ra những biện pháp can thiệp thích hợp cho trẻ như: phục hồi chức năng, phát triển giao tiếp tổng hợp, xây dựng vòng bạn bè, cung cấp vốn từ, phát triển khả năng nhận thức, giao tiếp và kỹ năng xã hội...

Thông qua các trò chơi giúp trẻ phát triển hết năng lực của mình để có thể hòa nhập cộng đồng. Trong năm qua, mặc dù đội ngũ giáo viên có hạn và nguồn kinh phí cũng eo hẹp nhưng Trung tâm đã tích cực can thiệp, phục hồi được gần 2.000 lượt trẻ khuyết tật trong toàn tỉnh.

Các hoạt động khác: Can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập, công tác xã hội và hướng nghiệp, dạy nghề...đang mang lại kết quả thực sự, tạo niềm vui và hạnh phúc cho mỗi gia đình có con em đang lâm vào những hoàn cảnh đáng thương.

Trong năm 2013, Trung tâm còn hướng nghiệp, tư vấn nghề và việc làm cho hàng trăm trường hợp thanh niên khuyết tật trong đó có gần 70% tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định hàng tháng trên 3 triệu đồng.


Minh Trí
Chủ tịch nước đi bộ vì trẻ khuyết tật
Chủ tịch nước đi bộ vì trẻ khuyết tật

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, TP Hồ Chí Minh và hơn 7.500 người dân, người khuyết tật của thành phố đã tham gia chương trình đi bộ từ thiện “Sánh bước yêu thương” nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật 3/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN