Theo thông tin của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi tháng, Đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng thăm khám và đánh giá cho 100 - 150 trẻ có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ. Đa số trẻ đến khám và đánh giá dưới 5 tuổi; trong đó, nhóm trẻ 2 tuổi và dưới 2 tuổi chiếm 30%.
Bác sỹ Trần Thị Nương, Phụ trách Đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay, tỷ lệ trẻ gặp các vấn đề về rối loạn phát triển, đặc biệt là rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Các triệu chứng của tự kỷ khởi phát trong những năm đầu đời của trẻ và mức độ tăng dần; 75% triệu chứng xuất hiện từ trước 3 tuổi và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, sinh hoạt hàng ngày và khả năng thích ứng, hòa nhập cộng đồng. Nhằm sớm phát hiện tự kỷ ở trẻ, các bậc phụ huynh có con nhỏ cần tìm hiểu các mốc phát triển theo từng độ tuổi để đối chiếu với sự phát triển của con mình; sớm đưa trẻ đến thăm khám, kiểm tra ở các cơ sở y tế uy tín hoặc các chuyên gia về lĩnh vực tâm lý, tự kỷ.
Giúp các trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở hỗ trợ điều trị và can thiệp như: Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, một số Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tư thục. Thành lập năm 2011, Trung tâm hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (thành phố Vĩnh Yên) có chức năng sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật về trí tuệ; hỗ trợ hòa nhập cho những trẻ tự kỷ trong môi trường phổ thông; hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ lớn… giúp các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí chia sẻ, Trung tâm đang can thiệp 250 trẻ tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, tăng động và rối loạn hành vi giao tiếp. Mỗi trẻ đến đây đều được sàng lọc nguy cơ, kiểm tra, đánh giá và xây dựng giáo án riêng phù hợp để giáo viên có phương pháp giúp các em hòa nhập sớm hơn.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong việc chăm sóc, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, Trung tâm Hoạt động Thanh, thiếu nhi tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi trải nghiệm, qua đó giúp trẻ mắc bệnh tự kỷ có sân chơi bổ ích. Anh Tạ Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay có rất nhiều cách để điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ có thể thành công khi cộng đồng và xã hội cùng chung tay đồng hành và hỗ trợ người tự kỷ, trong đó có trẻ em. Bên cạnh việc tổ chức các sân chơi dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật, Trung tâm còn tích cực tuyên truyền, thúc đẩy xây dựng mạng lưới hỗ trợ bình đẳng cho trẻ em tự kỷ, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Hiện trên địa bàn Vĩnh Phúc có hơn 364.000 trẻ em; trong đó có hơn 3.000 trẻ khuyết tật, rối loạn phổ tự kỷ. Thời gian qua, các cấp, ngành luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em; đặc biệt là trẻ tự kỷ, khuyết tật. UBND tỉnh đã có kế hoạch về chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2030.
Năm 2023, cùng với việc tổ chức các lớp truyền thông trực tiếp về sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí cho các bậc phụ huynh, giáo viên, trường học, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức khám bệnh miễn phí cho hơn 25.000 trẻ em; trao tặng xe lăn, xe đẩy, dụng cụ chỉnh hình cho 22 trẻ khuyết tật vận động; khám “Nha khoa học đường” cho hơn 1.000 trẻ; hỗ trợ xây nhà tình thương cho 4 gia đình trẻ em; hỗ trợ đột xuất 34 trẻ bị tai nạn thương tích, mắc bệnh hiểm nghèo… Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh còn trao tặng hàng nghìn suất quà, sữa, đồ dùng học tập… cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ tự kỷ.