Chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động - Bài 1: Những kết quả bước đầu

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 1,3 triệu lao động, chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh, trong đó lao động nữ chiếm 57%, lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 80%. Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động luôn được các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Chú thích ảnh
Tặng quà cho con em công nhân trong dịp Tết Trung thu 2019. Ảnh: Huyền Trang/TXVN

Hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa 

Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương: Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, tổ chức công đoàn, việc xây dựng, hoàn chỉnh thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện.

Tỉnh Bình Dương hiện có một Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật và 9 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao cấp huyện của Nhà nước. Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Trung tâm Văn hóa Lao động tại Khu dân cư Việt - Sing, thị xã Thuận An với diện tích 2,3 ha và đang hoàn thiện các hạng mục phục vụ người lao động trên địa bàn.  

Toàn tỉnh hiện có trên 350 doanh nghiệp dành quỹ đất, bố trí phòng tập, trang bị dụng cụ thể thao trong phòng hoặc ngoài trời, bố trí sân khấu, thiết bị âm thanh, dàn máy để tổ chức sinh hoạt văn nghệ, thể thao phục vụ người lao động.

Tại một số tổ chức, doanh nghiệp như, Công ty Becamex, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Phước Hòa, Công ty Cấp thoát nước và Môi trường, Công ty vật liệu và xây dựng Bình Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xe lửa Dĩ An đã đầu tư kinh phí để xây dựng trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao cộng đồng, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, Nhà văn hóa, Phòng truyền thống, sân bóng đá, bóng chuyền. Khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương còn đầu tư xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời, cụm sân bóng đá hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ.

Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp ở Bình Dương trong việc xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa. Qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, nhất là đời sống văn hóa tinh thần cho lao động nhập cư.

Đa dạng hoạt động xây dựng đời sống văn hóa

Chú thích ảnh
Khu nhà ở công nhân KCN Đồng An (Bình Dương). Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 công nhân lao động đã tham gia tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao hàng ngày, trong số đó chủ yếu là các hình thức chạy bộ, đi bộ buổi sáng. Một số công nhân tham gia tập luyện văn nghệ tại các câu lạc bộ, đội, nhóm. Một số khác tham gia tập luyện các bộ môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn.

Văn hóa đọc cũng được nhiều đơn vị quan tâm, theo khảo sát, hiện nay, gần 400 doanh nghiệp có trang bị tủ sách pháp luật, nhiều Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp đặt mua báo Lao động và Tạp chí Lao động Bình Dương để phục vụ người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền như: Lao động và Công đoàn, Đồng hành cùng công nhân, cập nhật nhiều thông tin bổ ích cho người lao động.

Thời gian qua, việc phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là các phong trào như: Xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng “Khu phố, ấp văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa", Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động đã thu hút đông đảo người lao động tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp tham gia.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương,  thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có trên 265.450 hộ gia đình đăng ký thi đua đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 97,5%), có 586/586 khu phố, ấp đăng ký danh hiệu khu phố, ấp văn hóa, có 15.570/21.588 (chiếm trên 72%) khu nhà trọ đăng ký danh hiệu khu nhà trọ văn hóa.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân, nhiều năm qua, Tỉnh đoàn đã phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện hỗ trợ lễ hội “Rằm tháng Giêng”, thông qua việc tổ chức các đội hình Thanh niên tình nguyện phục vụ lễ hội. Văn hóa hiếu khách của con người Bình Dương đã được thanh niên Bình Dương thể hiện thông qua công việc cụ thể như, đội thanh niên vá xe lưu động, phát nước, bánh mì, khăn lạnh miễn phí... Theo số liệu thống kê gần đây, mức độ hài lòng của người dân tăng lên khi đến tham gia lễ hội "Rằm tháng giêng". Từ đó xây dựng nên một thương hiệu rất Bình Dương mang tên “Lễ hội miễn phí” với hàng chục ngàn du khách thập phương tham dự mỗi năm.

Ở một số địa phương trong tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tập trung lượng lớn công nhân lao động sinh sống đã chú trọng phát động, tổ chức các hoạt động phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn hóa, con người gắn với xây dựng quê hương văn minh - giàu đẹp - thân thiện - nghĩa tình, nhất là xây dựng văn hóa công sở và xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân lao động trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với thanh niên là người dân tộc từ các tỉnh khác tới Bình Dương lập nghiệp, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp tỉnh Bình Dương đã quan tâm, chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sân chơi đặc sắc. Tiêu biểu là duy trì việc tổ chức cho thanh niên là đồng bào các dân tộc khác đến làm việc tại tỉnh các hoạt động nhân ngày lễ, Tết của đồng bào như: Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer và nhiều lễ hội khác.

Tại thị xã Dĩ An, với phương châm “Chuyển hoạt động trọng tâm về cơ sở”, trong 5 năm qua,  Mặt trận Tổ quốc, tổ chức Công đoàn, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thị xã Dĩ An đã tổ chức nhiều đợt trưng bày, lưu động giới thiệu sách, triển lãm tranh ảnh, chương trình biểu diễn văn hóa văn nghệ và chương trình tuyên truyền lưu động về văn hóa Việt, nếp sống văn minh đô thị tại khu dân cư, nhất là tại khu nhà trọ có đông công nhân lao động sinh sống trên địa bàn các phường.

Điều này không chỉ tạo nên phong trào hoạt động phong phú mà còn góp phần thiết thực đưa Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đi vào cuộc sống.

Bài cuối: Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Thêm nhiều cơ hội cho người lao động từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm
Thêm nhiều cơ hội cho người lao động từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm

Ngày 8/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN