Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, trong những năm qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều người lao động yếu thế, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, gia đình và cộng đồng. Chỉ tính từ năm 2015 đến giữa năm 2019, từ các nguồn vốn đã tạo việc làm cho hơn 552.000 lao động nữ, 40.000 lao động là người khuyết tật và 77.000 lao động là người dân tộc thiểu số.
Ông Tào Bằng Huy cho biết, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, kinh tế nông trại hiệu quả như: Câu lạc bộ Nông trang xã Dược Yên, huyện Đầm Hòa, tỉnh Quảng Ninh; mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình như khôi phục làng nghề truyền thống bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên… đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo thu nhập, nâng cao đời sống người lao động và gia đình họ…
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đã sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay để xuất khẩu lao động. Điển hình như tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh... đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 140.450 lao động trong năm 2018.
Theo ông Đinh Mai Phong, Phó Giám đốc Ban Tín dụng học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội), hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội và cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đã khẳng định phương thức quản lý, mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của ngân hàng phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. “Đây là điểm sáng trong các chính giảm nghèo, là chính sách xây dựng mối liên kết tốt giữa nhà nước thông qua ngân hàng chính sách với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở”, ông Đinh Mai Phong chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện các địa phương cũng phản ánh những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm như: Nguồn vốn không được bổ sung; mức cho vay giải quyết việc làm thấp, nhất là đối với các cơ sở sản xuất muốn tăng vốn đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động; thời hạn cho vay ngắn, mức lãi suất vay vốn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo đã thu hút mọi tầng lớp người lao động đến vay vốn, gây áp lực rất lớn cho nguồn vay giải quyết việc làm...
Nhận định trong giai đoạn tới, thị trường lao động sẽ đa dạng và linh hoạt hơn, các đại biểu cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi cần có sự linh hoạt trong việc cho vay vốn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội; đẩy mạnh các hoạt động cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vay vốn thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác, nhưng phải đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả trong hoạt động cho vay vốn.
Để nâng cao hiệu quả vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (ngày 23/9/2019) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP. Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà, Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm, điểm mới của Nghị định này là quy định về mức vay và thời hạn vay vốn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh tăng từ 1 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng/dự án (không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm); đối với người lao động vay vốn tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Về lãi suất vay vốn, tăng từ 6,6% lên 7,92%/năm; về điều kiện đảm bảo tiền vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phải có tài sản đảm bảo từ 100 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung về phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm; điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; hồ sơ vay vốn…
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến đầu tháng 10/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt hơn 17.600 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.525 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đạt 4.130 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác trên 9.000 tỷ đồng.
Doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 48.240 tỷ đồng, với 2,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn và 3,8 triệu lao động được tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm hơn 17.500 tỷ đồng với hơn 533.000 khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 33 triệu đồng/lao động. Tỉ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm đều qua các năm và đến nay chỉ còn 0,29% trên tổng dư nợ của chương trình.