Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu toàn văn bài viết này:
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tầm quan trọng của thời gian làm việc chỉ đứng sau tiền lương. Thời gian làm việc quá nhiều trong ngày không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà còn gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi trong Bộ Luật Lao động hiện hành đang làm nảy sinh khá nhiều vấn đề bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Là nước thuộc nhóm quốc gia có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực
Theo số liệu khảo sát của ILO, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ...
Trong 155 nước được ILO khảo sát, có tới hơn 2/3 các nước áp dụng giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần. Trong khi đó, Việt Nam (cùng khoảng 40 quốc gia) vẫn áp dụng quy định 48 giờ/tuần, tức 6 ngày/tuần, được ban hành từ năm 1947, qua Sắc lệnh 29 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho đến nay là đã hơn 70 năm.
Trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.
Việt Nam cũng là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc cao nhất thế giới. Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy: Việt Nam xếp thứ ba với số giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước. Trong 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (có một nước chưa có dữ liệu là Brunei).
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam (theo quy định của Bộ Luật Lao động là 10 ngày) ở nước trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào là 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày; Nhật Bản là 16 ngày).
Đặc biệt, hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của người lao động; thậm chí, tham chiếu Báo cáo việc làm tốt hơn thông số vi phạm còn cao hơn, 82% trong tổng số 257 nhà máy sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tận dụng tối đa sức lao động của công nhân. Tại Chương VII, Mục 1, Điều 104 của Theo Bộ Luật Lao động: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần.
Với khung thời giờ như trên, các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực ngành nghề thâm dụng lao động như may mặc, chế biến, điện tử… đều áp dụng tối đa tiêu chuẩn 48 giờ/ tuần do sức ép đơn hàng, mùa vụ, hoặc phương án dự phòng cho các biến động về nguồn nguyên liệu, thị trường…
Bất cập giữa thực tế với quan điểm, chủ trương của Đảng về người lao động
Thời lượng làm việc dài, liên tục và nghỉ ngơi ít dẫn đến nguy cơ người lao động bị suy giảm thể lực trầm trọng, không đủ thời gian tái tạo tinh thần và sức lao động cần thiết, phát sinh các bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống.
Đây cũng là lý do hạn chế cơ hội để công nhân được học hỏi, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm trau dồi cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển đổi vị trí lao động lên các cấp bậc cao hơn với những chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Nhiều cuộc khảo sát, điều tra gần đây về đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động.
Điều đó cho thấy sự bất cập giữa thực tế với quan điểm, chủ trương của Đảng về người lao động. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng nêu rõ: Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Bên cạnh đó, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan Nhà nước (Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ làm việc 40 giờ). Trong 20 năm, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong và ngoài khu vực Nhà nước.
Bộ luật Lao động năm 2012, (được ban hành cách đây 7 năm, trong giai đoạn nước ta chưa trở thành nước có thu nhập trung bình như hiện nay), tại Điều 104, đã quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ”. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi” (Khoản 2 Điều 35).
Giảm giờ làm tiêu chuẩn, tăng ngày nghỉ hưởng nguyên lương
Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người. Tiêu chuẩn quốc tế về giờ làm việc 40 giờ/tuần được quy định ngay từ năm 1935 trong Công ước số 47 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều 3 Công ước số 132 về nghỉ phép hàng năm quy định: trong bất kỳ trường hợp nào, thời gian nghỉ cũng không dưới 3 tuần làm việc cho một năm làm việc.
Năm 2018, Ủy ban Chuyên gia trong việc Áp dụng các Công ước và Khuyến nghị (CEACR) của ILO kêu gọi “khi xác lập giới hạn thời giờ làm việc, Chính phủ cần xem xét vấn đề sức khỏe và an toàn của người lao động cũng như tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và đời sống”.
Liên đoàn Công đoàn Quốc tế (ITUC) cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tiết giờ làm việc để đảm bảo rằng giờ làm việc được an toàn và hiệu quả. Tuyên bố thế kỷ về tương lai việc làm của ILO năm 2019 đã nêu tinh thần là “tôn trọng các quyền cơ bản cho người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn”.
Nhằm góp phần xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) khoa học, tiến bộ, toàn diện, khả thi; đáp ứng những định hướng, chiến lược phát triển đất nước; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động cần giảm giờ làm tiêu chuẩn, tăng ngày nghỉ hưởng nguyên lương.
Làm được điều này sẽ góp phần quan trọng thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, quan điểm của Nhà nước về lao động việc làm; đáp ứng những định hướng, chiến lược phát triển đất nước trên cơ sở cân bằng hài hòa giữa phát triển kinh tế với công bằng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy bình đẳng giới.
Không những thế, giảm giờ làm cũng sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp trên cơ sở duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động, cũng như có thời gian chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động xã hội của người lao động; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lợi thế cạnh tranh quốc gia thông qua cạnh tranh bằng tiêu chuẩn lao động; phát triển được thị trường lao động dịch chuyển từ lao động giản đơn, lao động giá rẻ sang lao động có trình độ, có kỹ năng, thích ứng với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0; phù hợp với xu hướng, các tiêu chuẩn tiến bộ của thế giới; tuân thủ các điều khoản của các công ước, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã cam kết.