Khi những cơn lũ ào ạt đổ về các vùng quê miền Trung, thì cũng là lúc những người nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Mọi thứ từ hoa màu, nhà cửa, đồ đạc cũng bị nhấn chìm trong dòng nước hung bạo. Mưu sinh trong dòng nước lũ, việc cất vó là một công việc dễ làm, mà thu nhập cũng đủ một vài bữa ăn.
Cả làng đi cất vó...
Trong một buổi chiều rong ruổi qua địa phận xóm 16, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, tôi dừng lại xem những người nông dân đang cất vó. Thời điểm này, một số nơi khác của tỉnh Quảng Ngãi đang ngập chìm trong đau thương, mất mát vì nước lũ. May mắn hơn, những người dân xã Bình Nguyên bỗng có chỗ để mưu sinh.
Dụng cụ để tiến hành một cuộc cất vó rất đơn giản. Một mảnh lưới hoặc một mảnh vải mùng to nhỏ tùy theo ý thích, sức khỏe của người cất. Sau đó, vải hoặc lưới được căng lên trên khung tre hoặc khung gỗ, gọi là “rớ”. Trước khi thả rớ xuống nước, người cẩn thận thì bôi một ít mồi có mùi tanh hoặc thả cám, tôm băm nhuyễn xuống. Chừng ấy thôi, đủ để những chú cá đang lang bạt trong dòng nước lũ bâu vào và bị cất lên.
Ông Nguyễn Đức Sinh, xóm trưởng xóm 16 cũng có mặt trong nhóm hơn 10 người rải rác bên quốc lộ 1A để cất vó. Ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cất vó, những buồn vui trong ngày bão lụt về nơi đây. Bên cạnh ông, những người nông dân khác cũng cười nói một cách bình thản, chất phác, với phong vị đồng quê thứ thiệt. Nhiều người trong số họ chỉ mặc một chiếc quần cộc, áo cánh mỏng manh giữa cơn mưa chiều đã dần nặng hạt. Nhưng có lẽ, dãi nắng dầm mưa đã trở thành thói quen, được truyền đi trong huyết quản nhiều đời.
Vừa cất một vó với cá kha khá, ông Sinh hút xong một hơi thuốc, rồi bảo: "Sau một trận mưa to, cá từ dưới sông sẽ ngược theo mương, theo lạch mà lên ruộng. Bọn tôi cứ tập trung ở những chỗ trũng nước hoặc những chỗ nước chảy như cống thoát nước lớn, ao, hồ có đường thông nước, thì chắc chắn sẽ kiếm được bộn cá. Anh em trong xóm, ngày mưa lụt không biết làm gì, nên rủ nhau cùng đi cất vó cho vui. Vừa cất, vừa tán chuyện với nhau, để thấy rằng dù thiên tai đe dọa nhưng cuộc sống vẫn còn những thú vui nhỏ”.
Ở bên kia, như cổ vũ lời ông Sinh nói, một người khác vừa cất lên được một rớ đầy cá, trong đó có mấy chú cá rô to tướng. Người được ít, kẻ được nhiều, tất cả đều vui niềm vui chung. Bỏ rớ của mình, ông Sinh chạy lại cùng xem, cùng chia vui với ông hàng xóm. Nụ cười của họ làm tôi cảm thấy lòng bình yên, ấm áp đến lạ.
Thu nhập ổn định
Dù ban đầu chỉ là thú vui thôi, nhưng dần dần, cất vó trở thành một nghề cho thu nhập khá ổn định của một số người dân xã Bình Nguyên. Từ việc chỉ tụ nhau lại kiếm vài con cá để nếu ít thì cùng làm bữa nhậu chiều ngồi ngắm nước lũ, nhiều hơn thì mỗi người có thể về nhà với sự mừng rỡ của vợ con khi buổi tối có thêm một dĩa cá kho hay một xâu cá nướng. Dần dần, cái thú trở thành một nghề.
Thành quả sau một buổi miệt mài của ông Sinh, ông ước lượng bán được khoảng hơn 100.000 đồng. |
Ông Đức, một người cất vó ở xóm 16 cho biết: "Nhìn vậy chứ nhiều người cất cả ngày được 200.000 - 250.000 đồng là chuyện bình thường đấy. Có thể là do cái duyên và cũng có thể là do kỹ năng "sát cá" của anh em. Nhiều người đặt vó xuống, cất lên là đã có gần nửa ký cá lớn nhỏ. Và để xuống, cất lên lại có cá tiếp. Những vùng nước mênh mông ở đây chính là một phần thu nhập của người dân khi mùa mưa lũ về. Và, cũng như cái lệ thường, khoảng đầu tháng 9 âm lịch là trong nhà đã lo làm cái vó để sẵn đó...".
Có lẽ tạo hóa cũng công bằng với một số người nông dân ở Quảng Ngãi nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung khi thiên tai thường xuyên lấy đi của cải của họ. Cánh đồng mênh mông nước cũng là mênh mông cá, là nguồn thu nhập của những người nông dân đang không biết trông vào đâu để kiếm sống. Những chú cá sông, cá đồng lúc này thực thi nhiệm vụ cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Sinh sau một hồi cất vó thì ngồi xuống, mân mê chiếc bình lớn của mình đang đựng cá. Chỉ sau một buổi cất, bình đựng cá ấy đã đầy. Giờ, ông tạm thời về cất, lấy thêm một cái khác để đựng cá, lúc trời cũng đã dần đi về tối. Ông bảo chừng ấy cá trong bình cũng đã bán được hơn 100.000 đồng. May cho ông và những người cất vó ở xóm này là những người mua lại cá ở chợ không xa, đồng thời cũng là những người thấu hiểu. Họ sẵn sàng mua với giá nhỉnh một chút chứ không bao giờ ép giá những người nông dân chân lấm tay bùn dầm mình trong mưa lũ cả ngày trời. Sự cảm thông, sẻ chia cũng là một điều rất quan trọng để người dân Bình Sơn cùng dìu nhau đi qua thiên tai, mất mát, ông Sinh bảo thế.
Chia tay ông Sinh, ông Đức khi chiều đã nhuốm mưa và trời một màu đen kịt, lòng rộn vui theo tiếng cười nói của những người nông dân hiền hậu, miệt mài này. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù thiên tai còn mang nhiều đau thương, mất mát đến với họ, nhưng không gì có thể quật ngã được tinh thần lạc quan, bền bỉ của những người nông dân. Và mong sao, cuộc sống của họ luôn được bình yên, ấm áp, để nụ cười của họ thường trực sự hồn nhiên, chất phác...
Bài và ảnh: Thành Giang