Cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu

“Hiện nay, các công trình nghiên cứu khoa học đã có cơ sở để khẳng định, biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là dự báo mà đã và đang xảy ra, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Trần Thục, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khẳng định tại Hội thảo cập nhật và chia sẻ thông tin về BĐKH toàn cầu và ở Việt Nam diễn ra sáng 7/11, tại Hà Nội.

Ba kịch bản biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Theo PGS. TS Trần Thục, các hiện tượng về BĐKH đã và đang xảy ra ở Việt Nam và các nước trong khu vực với mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra ba kịch bản của BĐKH đối với Việt Nam. Cơ sở dữ liệu của các kịch bản này là thông tin của các ngày nắng, mưa cực tiểu, cực đại và các diễn biến nhiệt độ, khí thải, băng tan trong các mùa trong năm.

Thu hoạch lúa thu đông 2011 chạy lũ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo đó, đến năm 2100, kịch bản thấp nhất khi nhiệt độ chỉ tăng 1,8 độ C là nước biển sẽ dâng trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ 27 – 72 cm. Trong đó, hai vùng ngập nặng nhất là Mũi Đại Lãnh - Mũi Kê Gà và Mũi Cà Mau – Kiên Giang. Khu vực chịu tác động ít nhất là Móng Cái – Hòn Dáu (Hải Phòng).

Với kịch bản trung bình, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 4 độ C, các khu vực ngập nặng nhất (nêu trên), nước biển dâng từ 62 – 82 cm. Khu vực nước biển dâng thấp nhất cũng từ 49 – 65 cm. Và kịch bản cao nhất với nhiệt độ tăng trung bình 6 độ C, nước biển dâng khu vực cao nhất từ 85 – 105 cm và thấp nhất cũng ở mức 66 – 85 cm.

“Một điểm hết lức lưu ý là nghiên cứu các kịch bản về nước biển dâng chưa bao gồm yếu tố triều cường và các thiên tai đột xuất gây ra và cũng chưa tổng hợp các yếu tố khai thác nước ngầm, xây đập thủy điện, phá rừng... hiện nay”, PGS.TS Trần Thục nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia UNDP, ước tính trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ tăng 2 – 3 độ C nhưng cũng có thể cao hơn. Sự thay đổi về lượng mưa còn nhiều yếu tố bất định theo hướng lượng mưa gia tăng vào mùa mưa và giảm trong mùa khô. Điều này dẫn tới khả năng lũ lụt và hạn hán kéo dài. “Đối với Việt Nam, BĐKH sẽ tác động nghiên trọng đến phát triển trong vòng 20 – 50 năm tới”, các chuyên gia UNDP khuyến nghị.

Nước đã đến chân…

Theo bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT, thông tin thời sự về BĐKH đang đầy trên phạm vi toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, các thông tin này chưa được cập nhật, tuyên truyền đúng mức để cộng đồng thấy được mức độ nghiêm trọng của BĐKH đối với nước ta. Do đó, một trong những mục tiêu trọng tâm của Bộ TN&MT tới đây là cập nhật thường xuyên, đúng tầm các thông tin về BĐKH vì đây là vấn đề sống còn với Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay mới có chưa đến 50% số bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, cũng như lồng ghép vào chiến lược phát triển 5 – 10 năm và dài hơi hơn.

Giải thích về sự chậm trễ trên, PGS.TS Trần Thục cho rằng, BĐKH là vấn đề mới đối với Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt Chương trình ứng phó với BĐKH (ngày 2/12/2008) nhưng từ đó đến nay, vấn đề này mới chỉ được tuyên truyền mạnh và thường xuyên ở các bộ, ngành. Ở tuyến địa phương, công tác này còn hạn chế. Đặc biệt là các dữ liệu, kịch bản cụ thể về tác động của BĐKH đối với từng vùng, khu vực để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó. “Với ba kịch bản về BĐKH đã được xác định, việc xây dựng chương trình hành động từ các bộ, ngành và địa phương thời gian tới sẽ cụ thể hơn”, ông Thục nói.

“Khi mực nước biển dâng lên 1m, nếu không có các giải pháp ứng phó, tại Việt Nam 20.876 km2 (bằng 6,3% diện tích toàn lãnh thổ) sẽ bị ngập. Các tỉnh có diện tích ngập do nước biển dâng nhiều nhất là Hậu Giang 79,4%; Kiên Giang 74,8%; Cà Mau 55,9%, Sóc Trăng 51,2%, Bạc Liêu 45,7%...” Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường

Vẫn theo ông Thắng, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ kế hoạch hành động từ nay đến 2015 và tầm nhìn 2020. Trong đó, Chương trình sẽ thành lập Ủy ban quốc gia về ứng phó với BĐKH do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban sẽ điều phối thống nhất các chương trình như triển khai Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về BĐKH; Xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các bộ, ngành và một số địa phương; thực hiện việc tích hợp, lồng ghép vấn đề BĐKH vào quá trình xây dựng Chiến lược phát triển KT- XH 10 năm (2011 – 2020 và giai đoạn 5 năm (2011 – 2015); xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu về BĐKH để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc gia…

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN