Số ca mắc tăng lên
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong.
Cộng dồn năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Các ca sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai, Ba Đình…
Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết trong năm, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, vừa qua, kết quả giám sát của Hà Nội cho thấy, nhiều điểm trên địa bàn có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng; nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng rất lớn nếu không có các biện pháp phòng chống.
Đáng chú ý, gần đây cùng với tăng số ca mắc, các cơ sở y tế cũng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch do sốt xuất huyết.
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Những ngày gần đây, tại Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, đã có ca tử vong. Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhất là thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh, mỗi người dân cần cảnh giác phòng bệnh; nhất là khi bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo đó, bên cạnh phòng dịch lây lan, với người mắc sốt xuất huyết Dengue cần được theo dõi sát, nhất là giai đoạn bệnh diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản. Tại thời điểm này, bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo và dễ bị sốc Dengue.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, nhiều người có thể nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với COVID-19 mà chủ quan với các biến chứng của sốt xuất huyết. Vì vậy, nếu người dân khi có bất kỳ triệu chứng như: Sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán để nếu mắc sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ có phương án theo dõi, điều trị kịp thời.
Ngăn dịch lây lan mùa tựu trường
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Đồng thời tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh.
Cùng với đó, công tác giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ cũng được tăng cường để kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý ngăn dịch lây lan.
Theo đó, các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ cũng cần được triển khai ngay; đặc biệt cần huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Cùng với các biện pháp chống dịch được triển khai tại các địa bàn, công tác truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết cũng được đẩy mạnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình.
Đặc biệt, trong mùa tựu trường, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết hiện nay đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số dịch bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ xuất hiện để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết Dengue, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã đề nghị các trường học xây dựng kế hoạch phỏng chống dịch bệnh trong trường học trong đó tập trung vào các bệnh có nguy cơ cao như dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, COVID-19, dịch cúm...
Cùng với đó, các đơn vị củng cố, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các phương tiện phòng chống dịch theo quy định; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát công tác diệt bọ gậy trong trường học, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội, các tổ, các thành viên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã đề nghị các trường học tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn cán bộ, giáo viên, sinh viên tích cực, chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường; thực hiện tốt biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay với xà phòng, nước sạch, đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi. Các trường cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể đọng nước không sử dụng; thường xuyên thay nước, có rửa các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ...
Các trường học cũng chủ động giám sát phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, dịch bệnh truyền nhiễm trong trưởng học; phối hợp với y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch, xử lý các trường hợp mắc bệnh kịp thời.