Lễ hội từng bị đe doạ bởi nguồn nước thải
Lễ hội bơi Đăm là nét đẹp văn hóa truyền thống, niềm tự hào của người dân Tây Tựu, diễn ra từ mùng 9 - 11/3 Âm lịch (5 năm tổ chức 1 lần), gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu. Đây là một lễ hội cổ, được dân làng Đăm bảo vệ và duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Năm 2018, lễ hội bơi Đăm truyền thống được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội bơi Đăm không chỉ là nơi gắn kết cộng đồng, lan tỏa niềm tự hào, còn thể hiện sự đoàn kết của người dân Tây Tựu. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ Thành hoàng làng Bạch Hạc Tam Giang – vị thần được cho là che chở và ban phước cho dân làng trong việc cày cấy, làm ăn.
Dòng sông Pheo chính là nơi diễn ra lễ hội bơi thuyền lớn nhất Hà Nội.
Người dân háo hức xem hội bên dòng sông Pheo.
Việc bổ cập nước sông Hồng làm sạch sông Pheo trước ngày lễ hội được cho là giải pháp tạm thời.
Sau một tuần tổ chức, lễ hội bơi Đăm đã kết thúc. Tuy nhiên, để lễ hội bơi thuyền lớn nhất Hà Nội được diễn ra đúng như kế hoạch là sự nỗ lực hết mình của chính quyền địa phương nhằm giải cứu sông Pheo bị ô nhiễm nặng vào cuối tháng 3/2024. Vào thời điểm đó nhân dân xã Tây Tựu ai cũng có tâm trạng như "ngồi trên đống lửa" bởi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước sông Pheo, nơi diễn ra sự kiện quan trọng nhất của lễ hội bơi thuyền.
Trước sự việc trên, Thường trực Quận ủy Bắc Từ Liêm đã giao UBND quận khẩn trương có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Hoài Đức và Đan Phượng đảm bảo nguồn nước, vệ sinh môi trường sông Pheo để phục vụ hoạt động lễ hội bơi thuyền truyền thống.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường quận Bắc Từ Liêm cho biết, sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND quận, đơn vị này đã liên hệ với Xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài (nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức) bơm nước từ sông Hồng vào “giải cứu” sông Pheo. Đồng thời đóng cửa cống, ngăn nước ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về sông Pheo.
Ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Đan Hoài cho biết, để làm sạch sông Pheo, từ đêm ngày 4/4 đơn vị này đã vận hành hết công suất các tổ máy bơm nước từ sông Hồng. “Trạm bơm vận hành hơn 2 ngày thì nước sông Pheo cơ bản được thau rửa để phục vụ lễ hội bơi thuyền thông thống ở Tây Tựu”, ông Trường chia sẻ.
Sông Pheo chảy qua trung tâm UBND quận Bắc Từ Liêm.
Cần giải pháp để ô nhiễm nguồn nước không còn tái diễn
Nhờ nỗ lực giải cứu kịp thời, những ngày này nước sông Pheo trong xanh trở lại, người làng Đăm lại nô nức trẩy hội đua thuyền truyền thông lớn nhất Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, người dân Tây Tựu cũng như các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm luôn mong muốn cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Pheo.
Ông Đ.M.T. (70 tuổi, người dân làng Đăm) cho biết, chưa bao giờ sông Pheo xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng như năm nay. “Dòng nước đen ngòm, đặc quánh bốc mùi hôi thối liên tục từ thượng nguồn đổ về. Trước đây, con em chúng tôi thường ra sông Pheo tắm, thậm chí rửa rao, giặt giũ quần áo”, ông Đ.M.T. chia sẻ.
Ông Đoàn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu cho biết, chính quyền và nhân dân địa phương rất lo ngại tình trạng ô nhiễm sông Pheo tiếp tục diễn ra. “Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thì sông Pheo mới không bị ô nhiễm, sức khỏe người dân không bị ảnh hưởng”, ông Hùng nói.
Người dân Tây Tựu cho rằng, nguyên nhân khiến sông Pheo ô nhiễm nhiều năm là do những nguồn nước thải từ các huyện Hoài Đức và Đan Phượng đổ về. Theo dọc sông Pheo về thượng nguồn, phóng viên báo Tin tức ghi nhận thực tế tại các nhánh sông chứa nước thải đen ngòm như dưới cống rãnh. Hai bên bờ sông là hàng chục miệng cống xả nước thải bốc mùi hôi, tanh.
Hạ nguồn sông Pheo chảy qua địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Giải pháp xây dựng trạm xử lý nước thải cho các làng nghề là cần thiết và được coi là giải pháp căn cơ giải cứu sông Pheo khỏi tình trạng ô nhiễm.
Theo vị lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, nguyên nhân sông Pheo ô nhiễm chủ yếu là do nguồn nước thải làng nghề trên thượng nguồn của huyện Đan Phượng và Hoài Đức đổ về. “Vào mùa khô, nước ứ đọng lại trên sông Pheo gây ô nhiễm nghiêm trọng”, vị cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.
Để sông Pheo không bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, đe dọa lễ hội bơi Đăm, UBND quận Bắc Từ Liêm đã đề nghị thành phố và các huyện Đan Phượng và Hoài Đức xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề. Quận Bắc Từ Liêm cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên bổ cập nước sông Hồng và sông Pheo trong mùa khô.
Đây là kênh tiêu, phục vụ sản xuất, chủ yếu đưa nước tưới đồng, sau đó nước thừa chảy qua đó tưới Tây Tựu. Nước ô nhiễm là nước dân sinh, trong đó có mấy xã hay tiếp xúc cử tri Tân Lập, Tân Hội, Hồng Hà… đổ ra. Ô nhiễm nước dân sinh là chính, thường nướ tưới sau đố chảy xuống pha loãng kênh đó. Lượng không pha loãng được thì bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi Đan Hoài cho biết, nguyên nhân sông Pheo ô nhiễm phần lớn là do nguồn nước thải dân sinh từ các làng nghề và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội huyện Đan Phượng. Ngoài ra, nước thải khu đân cư Tân Tây Đô của huyện Hoài Đức cũng là nguồn gây ô nhiễm sông Pheo.
Theo ông Nguyễn Hải Trường, trong các buổi tiếp xúc cử tri huyện Đang Phượng, Hoài Đức cơ quan chức năng cũng thường xuyên bị chất vấn đề tình trạng ô nhiễm ở thượng nguồn sông Pheo và giải pháp xử lý tình trạng này. “Việc xử phạt các hộ dân xả thải ra môi trường là rất khó. Do vậy, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân làng nghề, hộ chăn nuôi hạn chế thấp nhất xả nước thải ra môi trường”, ông Nguyễn Hải Trường nói thêm.