Cần điều chỉnh tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Không thể phủ nhận hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận mang lại, song cũng còn đó không ít bất cập.

Biển người đi bộ đông nghịt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ngoài vấn đề về vệ sinh môi trường, hàng rong, trông giữ xe, các hoạt động văn hóa, cuộc sống người dân trong khu vực này ít nhiều bị ảnh hưởng. Bà con mong muốn sự điều chỉnh hợp lý hoạt động không gian đi bộ của thành phố.

* Kinh doanh sụt giảm

Tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận không có nhiều hộ dân sinh sống, chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Dân cư khu vực này chủ yếu là kinh doanh, dựa vào lợi thế mặt phố trung tâm, đông khách du lịch và người qua lại. Chính vì vậy, khi thành phố triển khai không gian đi bộ, từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hàng tuần, thời gian thí điểm kéo dài từ ngày 1/9 đến 31/12/2016, nhiều người đã băn khoăn về mức độ ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh trong khu vực này.

Câu trả lời rõ nhất, ngay tuần đầu triển khai các tuyến phố đi bộ, doanh thu của các hộ kinh doanh ở đây bị sụt giảm mạnh. Có hộ giảm tới 50%, thậm chí nhiều hộ giảm tới 80% so với các ngày nghỉ cuối tuần trước đó.

Anh Vũ Ngọc Toàn, chủ cửa hàng kinh doanh kính 65 Đinh Tiên Hoàng cho biết, những ngày nghỉ cuối tuần khác, cửa hàng gia đình anh luôn đông khách. Từ khi triển khai các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, doanh thu bán hàng giảm một nửa. Trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình trông vào cửa hàng bán kính, nay bị sụt giảm nên anh không khỏi lo lắng.

Anh chia sẻ: “Việc tổ chức không gian đi bộ là tốt nhưng thành phố nên điều chỉnh giờ đi bộ cho hợp lý, không ảnh hưởng nhiều đến các hộ kinh doanh trong khu vực này. Có thể là tổ chức 3 buổi tối đi bộ, còn ban ngày vẫn để cho các phương tiện giao thông đi lại, người dân mới kinh doanh được”. Theo anh Toàn, trong thời gian khách đi chơi, họ ít khi mua sắm những mặt hàng nhiều tiền, có chăng chỉ là đồ lưu niệm, các mặt hàng nhỏ, đồ ăn uống.

Tương tự như vậy, chị Nguyễn Huyền Ly, chủ cửa hàng kinh doanh va li, túi xách số 59 Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, thông thường các ngày cuối tuần cửa hàng nhà chị đông khách nhưng từ khi thành phố triển khai không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, doanh thu của cửa hàng giảm đến 70 - 80%.

Ví dụ, mỗi ngày trước đó chị bán được 5 cái va li, túi xách, trong những ngày qua, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 1 cái. Do kích cỡ va li, túi xách khá to, khách đi bộ không ai muốn mang vác nặng nên chỉ có khách đi ô tô, xe máy mới mua. “Chúng tôi mong muốn thành phố tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tương tự với thời gian tổ chức chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân vào ba tối cuối tuần để thuận lợi cho việc kinh doanh ở đây.

Trước mắt, thành phố nên tổ chức những dãy hàng hóa phục vụ khách đi bộ để chúng tôi có thể tham gia bán, tăng thêm thu nhập” – chị Nguyễn Huyền Ly nói thêm. Ý thức được việc nếu người dân trong khu vực tự động bày bán hàng hóa phục vụ khách đi bộ (nước giải khát, đồ ăn nhanh, hàng lưu niệm…) sẽ tạo ra sự nhếch nhác, do vậy chị không muốn làm.

Tuy trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng theo quyết định của thành phố, các hộ kinh doanh vẫn phải đợi đến sau ngày 31/12 khi hết thời gian thí điểm không gian đi bộ, thành phố có đánh giá và sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.

* Bất tiện trong đi lại

Để phục vụ cho không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội bố trí 78 điểm trông giữ xe ô tô, xe đạp, xe máy xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức sơ đồ hướng dẫn về tổ chức các điểm giao thông tĩnh phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực không gian đi bộ và du khách đến tham gia các hoạt động trong không gian đi bộ.

Một mặt, quận cũng phát 1.700 thẻ ra vào chốt trực cho xe máy, xe đạp, ô tô của nhân dân, cơ quan, tổ chức trong không gian đi bộ dắt xe ra vào. Nhưng thực tế, việc ra vào của người dân trong khu vực cũng gặp nhiều bất tiện do vừa phải đi xa, vừa phải dắt xe, nhất là xe máy thường rất nặng. Vấn đề này gây khá nhiều trở ngại đối với người già, người sức khỏe yếu.

Một chủ cửa hàng va li, túi xách tại 57 Đinh Tiên Hoàng cho biết, mặc dù quận phát cho mỗi gia đình một thẻ ra vào để dắt xe nhưng bản thân gia đình chị chưa nhận được. Xe máy của gia đình hiện gửi ở phố Lê Thái Tổ, cách nhà hơn 100 mét. Trong khi đó, mỗi ngày chị phải vài lượt đi lại lấy xe, tương đối bất tiện trong việc đi lại.

Bà Thuận Thanh Vân, số 15 Hàng Khay cũng cho rằng từ khi triển khai các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khách du lịch phấn khởi nhưng người dân trong khu vực ít nhiều chịu những bất tiện nhất định, trong đó có việc đi lại. Bà cũng mong muốn thành phố có những điều chỉnh hợp lý để vừa mang lại lợi ích cho du khách, vừa để người dân trong khu vực thuận lợi trong cuộc sống thường ngày.

Nhìn chung, người dân đều ủng hộ thành phố Hà Nội tổ chức ra những không gian văn hóa cộng đồng như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận nhưng bà con mong muốn thành phố có sự tổ chức hợp lý, không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Đó cũng là mong muốn của các cơ quan chức năng khi tổ chức không gian này và như Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, sẽ năng động xử lý trong thời gian tổ chức hoạt động không gian đi bộ.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả không gian đi bộ ở hồ Gươm
Nâng cao hiệu quả không gian đi bộ ở hồ Gươm

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế xảy ra trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN