Việt Nam hiện đứng thứ 12/22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất toàn cầu, đồng thời cũng là một trong 27 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Do đó, công tác phòng, chống lao, cần được đầu tư hơn nữa thì Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia trao đổi với Báo Tin tức, xung quanh vấn đề này.
Bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
|
´Xin ông cho biết về tình hình nhiễm lao đa kháng thuốc tại Việt Nam hiện nay?
Theo điều tra và nghiên cứu mới nhất của chúng tôi thì tỉ lệ lao đa kháng thuốc ở những nhóm bệnh nhân mới phát hiện là khoảng 2,3%; ở những người đã điều trị rồi lại tái phát hoặc điều trị thất bại là 17 – 19%. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có từ 3.000 – 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc.
´Chương trình Phòng, chống lao quốc gia đã có những biện pháp gì để quản lý và khống chế tình trạng lao đa kháng thuốc, thưa ông?
Chương trình Phòng, chống lao quốc gia đã triển khai chương trình quản lý lao đa kháng thuốc tại 5 tỉnh, thành phố và đang tiếp tục mở rộng ra 12 tỉnh, thành khác.
Ngày 9/9/2009, chúng ta thu nhận bệnh nhân lao đa kháng thuốc đầu tiên; đến nay số bệnh nhân mà chúng ta thu nhận và quản lý lên tới gần 1.000 người. Tuy nhiên, hệ thống quản lý lao đa kháng thuốc đang bị ràng buộc bởi những quy định chặt chẽ của tổ chức quốc tế, cung cấp kinh phí cho Chương trình. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý lao đa kháng thuốc này, chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với Việt Nam hơn. Bởi, nếu chúng ta chỉ chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì sẽ rất bị động, những người bệnh không đủ điều kiện quy định để “lọt” vào danh sách được điều trị sẽ phải kéo dài thời gian chờ đợi, mà điều này rất nguy hiểm vì những bệnh nhân này rất có thể sẽ trở thành nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng.
Kết quả sau khi áp dụng phác đồ mới tại một số tỉnh là khá tốt, tỷ lệ bệnh nhân đa kháng thuốc được chữa khỏi bệnh đạt khoảng 75%, tương đương với phác đồ điều trị của quốc tế mà ta đang áp dụng và giá thành thuốc rẻ được gần 10 lần (điều trị một bệnh nhân lao đa kháng thuốc theo chương trình có sự hỗ trợ của quốc tế thì sẽ mất 4.000 USD).
Như vậy, song song với việc triển khai chương trình phòng, chống lao đa kháng thuốc của quốc tế, chúng ta vẫn có thể triển khai các chương trình điều trị theo phác đồ của Việt Nam. Nhờ đó, phần lớn bệnh nhân lao đa kháng thuốc sẽ được điều trị khỏi bệnh, tỷ lệ chữa khỏi đạt khoảng 80%. Theo tôi, đây là một kết quả rất đáng khích lệ vì trước đây, những bệnh nhân này sẽ chuyển sang lao mãn tính và chắc chắn sẽ tử vong do bệnh này.
´Những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc sẽ được điều trị và quản lý như thế nào, thưa ông?
Khi bệnh nhân bị lao siêu kháng thuốc (tức là kháng tất cả các loại thuốc điều trị) thì không có một phác đồ nào riêng biệt để áp dụng nữa mà cần phải có phác đồ riêng rẽ cho từng người một.
Việc điều trị là hết sức khó khăn nhưng đáng mừng là chúng tôi đã điều trị thành công một ca siêu kháng thuốc đầu tiên ở TP.HCM bằng cách sử dụng hoàn toàn những loại thuốc sẵn có trên thị trường. Bệnh nhân là một sinh viên năm thứ 2 đang theo học ở một trường ĐH tại TP.HCM.
Như vậy, bằng những nguồn lực hiện nay, chúng ta đã có thể điều trị cho bệnh nhân lao siêu kháng thuốc. Tất nhiên, việc tổ chức quản lý những bệnh nhân này không đơn giản, yêu cầu phải thực hiện tốt việc cách ly người bệnh, sử dụng thuốc riêng rẽ cho từng bệnh nhân…
´Để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, Chương trình Phòng, chống lao quốc gia còn phải “đối mặt” với những thách thức nào nữa, thưa ông?
Nguồn nhân lực của chúng ta đang rất thiếu, nhất là những cán bộ được đào tạo chuyên sâu. Vấn đề tài chính cũng gặp không ít khó khăn, kinh phí cho công tác phòng, chống lao phải trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Theo tôi, để tạo sự bền vững cho công tác phòng, chống lao, các địa phương cần chủ động đầu tư nguồn lực (nhân lực, kinh phí) cho công tác này, không nên chỉ trông chờ vào các dự án quốc tế như hiện nay.
Bởi vậy, nhân Ngày thế giới Chống lao 24/3 năm nay, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống lao. Mục đích nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về tình hình bệnh lao và công tác phòng chống lao; tăng cường cam kết chính trị của chính quyền các cấp và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống lao; truyền thông nâng cao hiểu biết và giảm kỳ thị của người dân về bệnh lao…
Bệnh lao hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu và đầu tư đúng. Do đó, "Vì một Việt Nam không còn bệnh lao", hãy hành động ngay từ ngày hôm nay.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (ghi)