Cấm buôn bán động vật hoang dã để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai

Ngày 8/4, Giám đốc Tổ chức Humane Society International Việt Nam Thẩm Hồng Phượng cho biết, hiện chính phủ các nước trên toàn thế giới được khuyến khích chú ý đến “điểm ngoặt” của virus SARS-CoV-2 và cấm buôn bán động vật hoang dã, để giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.

Đại diện các chính phủ trên toàn cầu đã nhận được một lời kêu gọi khẩn cấp, kèm theo một báo cáo tổng hợp (Sách trắng - Whitepaper), dựa trên các bằng chứng khoa học từ Humane Society International (HSI - Tổ chức Nhân đạo Quốc tế) kêu gọi hành động ngay lập tức nhằm cấm buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật có vú và chim là những loài có khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2, với mong muốn chặn đứng các mối đe dọa mà chúng gây ra cho sức khỏe cộng đồng, cũng như góp phần trong việc bảo tồn loài và quan tâm đến phúc lợi động vật.

Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gắn liền với buôn bán động vật hoang dã

Chú thích ảnh
Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù nguồn gốc chính xác của chủng virus SARS-CoV-2 hiện tại vẫn chưa được làm rõ, nhưng nó có khả năng bắt nguồn từ một khu chợ tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi bán và giết mổ động vật hoang dã sống tại chỗ. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đã gắn liền với việc buôn bán động vật hoang dã, trong đó có dịch SARS năm 2003, được cho là đã truyền sang người do cầy hương được bán để lấy thịt. Ước tính 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi là bệnh bị lây truyền từ động vật.

Tiến sĩ Teresa Telecky, Phó Chủ tịch Tổ chức HSI - người chịu trách nhiệm mảng động vật hoang dã cho biết: “Đại dịch COVID-19 hiện tại đã chứng minh việc buôn bán động vật hoang dã có thể gây ra mối nguy hại khủng khiếp như thế nào, không chỉ đối với các loài động vật hoang dã có liên quan, mà còn đối với con người trên khắp thế giới. COVID-19 đã gây ra cái chết của hàng chục ngàn người, nó đã và sẽ gây những tác động tiêu cực lâu dài đối với các nền kinh tế địa phương cũng như thế giới. Các chợ động vật hoang dã là điểm bùng phát dịch bệnh mà các chính phủ trên toàn cầu không được bỏ qua. Các chợ động vật hoang dã là nơi lí tưởng cho đại dịch toàn cầu tiếp theo bùng nổ, vì vậy lãnh đạo các quốc gia phải làm mọi cách có thể để ngăn chặn dịch bệnh và điều đó có nghĩa là nghiêm cấm việc buôn bán nguy hiểm này; giúp những người buôn bán tham gia tìm kiếm sinh kế thay thế càng nhanh càng tốt".

Để thúc đẩy lệnh cấm toàn cầu, HSI cũng kêu gọi các chính phủ tích cực hỗ trợ những người dân hiện đang phụ thuộc nặng nề vào việc buôn bán động vật hoang dã chuyển sang những sinh kế thay thế và cung cấp thêm nguồn lực để giáo dục công chúng về rủi ro sức khỏe của việc buôn bán động vật hoang dã.

Theo đó, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc bán động vật hoang dã làm thực phẩm vào đầu tháng 3/2020, nhưng vẫn chưa được luật hóa để có thể thực thi một cách hữu hiệu. Bên cạnh đó, các loài động vật hoang dã được sử dụng cho các mục đích khác như y học cổ truyền bị loại trừ khỏi lệnh cấm. Các động vật hoang dã được nuôi tại các cơ sở nuôi nhốt cũng không nằm trong lệnh cấm. Trong tháng 3, thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa bằng cách cấm vĩnh viễn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, kèm thêm chó và mèo.

Nhưng trên toàn cầu, nhất là ở các khu vực khác của châu Á, hàng ngàn các chợ tương tự đã có mối liên quan với cả dịch SARS và COVID-19, vẫn tồn tại và tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Thông thường ở các chợ như vậy, nhiều loài động vật hoang dã đang phải chen chúc nhau trong điều kiện mất vệ sinh, thường xuyên bị giết mổ ngay tại đó hoặc được bán sống như những thú cưng độc và lạ. Chính những điều này đã và đang tạo ra một “môi trường” lý tưởng cho sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Thực hiện triệt để lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã  

Chú thích ảnh
Việc cấm buôn bán động vật hoang dã nhằm giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

“Các lệnh cấm tạm thời việc buôn bán động vật hoang dã là một khởi đầu tốt, nhưng để giải quyết triệt để các dịch bệnh tiềm ẩn trong tương lai, các nước bắt buộc phải cấm buôn bán động vật hoang dã vĩnh viễn và bao gồm cả động vật hoang dã được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào, cả làm thuốc, lông thú, vật nuôi và các loại khác. Với tình hình đang rất nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe con người và bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu, không có chỗ cho sự tự mãn hay những biện pháp nửa vời”, Tiến sỹ Telecky giải thích.

Hiện những lo lắng trên toàn cầu sẽ gồm có thị trường chim trời/chim hoang dã có liên quan đến sự lây lan của virus cúm gia cầm (H5N1); các khảo sát trước đây tại các chợ buôn bán động vật hoang dã ở Lào đã xác định các động vật có vú bị bày bán ở đó có khả năng lưu trữ 36 mầm bệnh truyền nhiễm. Một phân tích tài liệu gần đây sử dụng dữ liệu khảo sát của TRAFFIC từ các nhà hàng đặc sản thú rừng, quầy hàng bên đường và chợ ở Malaysia đã xác định 51 mầm bệnh truyền nhiễm đang “trú ngụ” trong cơ thể của các loài hoang dã bị bày bán..

HSI cũng cảnh báo rằng các lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã phải toàn diện và áp dụng cho việc bán và tiêu thụ tất cả các loài động vật có vú và các loài chim hoang dã. Điều này dẫn đến việc vật chủ trung gian tiềm ẩn cho dịch bệnh tiếp theo không còn nữa. Dơi đã được xác định là vật chủ tự nhiên hoặc nguồn chứa của nhiều loại virus, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 và được bán như món đặc sản ở Đông và Đông Nam Á, các đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương và Châu Phi cận Sahara. Virus SARS-CoV-2 từ dơi sử dụng các vật chủ trung gian để “vũ khí hóa” và chuyển virus sang con người, do đó những lệnh cấm nửa vời sẽ không giải quyết đến gốc rễ của vấn đề.

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), HSI cùng với 241 tổ chức ký một bức thư ngỏ gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi họ loại trừ việc sử dụng động vật hoang dã trong Y học Cổ truyền Trung Quốc.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương

Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương với chủ đề "Đoàn kết chống COVID-19".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN