Các tỉnh miền Tây tiếp nhận người dân tự di chuyển về quê

Ngày 1/10, rất đông người dân đi xe máy từ Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sau khi qua nhiều chốt phòng, chống dịch trên các tuyến quốc lộ, đã qua được cầu Mỹ Thuận để tiếp tục về Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn người dân đi xe máy về quê tại chốt kiểm soát của TP Cần Thơ trên Quốc lộ 1A chiều 1/10. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại chốt kiểm soát ở siêu thị GO Cần Thơ trên Quốc lộ 1A, khoảng 16 giờ ngày 1/10, hơn chục người dân quê ở Cần Thơ chờ khai báo y tế để được vào thành phố. Ngoài những người tự đi xe máy, một số người dân quê ở Cần Thơ được tỉnh Long An bố trí xe ô tô chở về để bàn giao cho địa phương, xe máy được vận chuyển bằng xe tải.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Cần Thơ, trong ngày 1/10, thành phố đã tiếp nhận trên 100 người từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về quê bằng xe máy. Tất cả đều được phân loại, khai báo y tế, đưa về các địa phương. Theo quy định, những người về từ vùng dịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận là F0 được điều trị khỏi bệnh sẽ cách ly 7 ngày và 14 ngày đối với các trường hợp còn lại.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các công dân của thành phố trở về sẽ phải cách ly tập trung theo quy định. Quan điểm của thành phố Cần Thơ là sẵn sàng đón tiếp công dân, kể cả đi xe máy.

Chú thích ảnh
Người dân quê Cần Thơ được lực lượng chức năng thành phố hướng dẫn vào khai báo y tế tại chốt kiểm soát. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Trong ngày 1/10, hàng nghìn người ở Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quê tự phát bằng xe máy được nhiều tỉnh, thành phố ở miền Tây tiếp nhận, đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Tại chốt kiểm soát cửa ngõ tỉnh Vĩnh Long trên Quốc lộ 1A, người dân được kiểm tra giấy tờ. Nếu là công dân của tỉnh Vĩnh Long sẽ được đưa khu cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Người dân các tỉnh khác sẽ được phát cơm, nước, tạo điều kiện tiếp tục hành trình về quê.

Anh N.T.N quê ở tỉnh Hậu Giang cho biết, 4 tháng qua anh thất nghiệp nhưng gia đình vẫn cầm cự, bám trụ lại TP Hồ Chí Minh. Tới giờ vẫn chưa có công việc trở lại trong khi nguồn tiền đã cạn, anh quyết định lái xe máy chở vợ con về quê và chiều 1/10 mới tới được Vĩnh Long.

Chị T.T.S trú tại tỉnh Sóc Trăng cho biết, suốt từ đêm 30/9, chị cùng chồng và con gái vật vạ ngoài đường tìm cách về quê. Trên đường đi, cả nhà đói bụng nhưng không dám dừng lại mua đồ ăn mà dọc đường cũng không có hàng quán nào mở cửa. Khi qua cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), được các lực lượng Công an phát cơm, nước và được tạo điều kiện về quê, gia đình chị rất mừng.

Đại tá Trần Quốc Phục, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ sáng đến chiều 1/10, trên 1.000 người đi xe máy tự phát ngang qua chốt dưới chân cầu Mỹ Thuận. Trong đó, trên 100 công dân Vĩnh Long được đưa đi cách ly, số còn lại được tạo điều kiện tiếp tục hành trình.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong ngày 1/10, trên 500 người dân từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quê tự phát bằng xe máy. Người dân khi vào cửa ngõ tỉnh đều được tập trung kiểm tra giấy tờ. Sau đó, người dân thuộc các huyện, thị, thành nào trong tỉnh sẽ được đưa vào khu cách ly tại địa phương đó. Do lượng người về tự phát khá đông, tỉnh Sóc Trăng đang gấp rút sắp xếp bố trí các khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, điều kiện ăn, ở…

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trong ngày, tỉnh đã đón 158 người dân tại các cửa ngõ, đưa vào các khu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Tổng số người về quê tự phát trong một tuần qua lên 600 người và các khu cách ly tập trung của tỉnh đang quá tải.

Chú thích ảnh
Người quê ở TP Cần Thơ sẽ vào chốt để khai báo y tế còn người các tỉnh khác sẽ được đi thẳng qua chốt. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

* Ngày 1/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình cho biết, để kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, tỉnh đã thống nhất chủ trương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm an toàn, hiệu quả. Trong đó, tỉnh sẽ tổ chức đón công dân Quảng Bình gặp khó khăn do dịch bệnh ở các tỉnh, thành phía Nam có nguyện vọng về quê.

Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu trở về quê hương của công dân Quảng Bình là rất lớn. Tỉnh thực hiện quán triệt nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.  

Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình thống nhất chủ trương tổ chức đón người dân của tỉnh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở các tỉnh, thành phía Nam có nguyện vọng về quê. Cụ thể, các trường hợp sẽ được tỉnh đón về quê bao gồm phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; học sinh và người già đi thăm thân.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình giao UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam tổ chức đón người dân Quảng Bình về quê an toàn, chu đáo, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức cho người dân đăng ký nguyện vọng về quê. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương liên quan phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, giám sát, bố trí cách ly phù hợp đối với công dân khi trở về quê, đảm bảo an toàn theo quy định. Việc tổ chức đón công dân trở về quê hoàn thành trước ngày 10/10/2021.

Nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Quảng Bình khẩn trương chỉ đạo việc bảo đảm cơ sở vật chất tại các chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra, vào tỉnh, nhất là tại chốt ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy.

Hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, có phương án đưa công nhân, lao động đã về quê trở lại Thành phố để tiếp tục làm việc. Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động công dân Quảng Bình ở các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là các trường hợp trong độ tuổi lao động không tự ý về quê; yên tâm, tin tưởng vào phương án phòng, chống dịch của chính quyền sở tại; tiếp tục ở lại lao động sản xuất, đồng hành cùng các tỉnh, thành phố phía Nam vượt qua đại dịch.

Tỉnh Quảng Bình vừa trải qua đợt dịch lớn từ ngày 24/8 với số người mắc COVD-19 đến nay lên hơn 1.700 người; trong đó 1.370 người đã được điều trị khỏi và xuất viện, còn 332 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, cách ly. Tỉnh đã triển khai tiêm gần 197.900 liều vaccine phòng COVID-19, với hơn 52.400 người đã tiêm đủ hai mũi.

Thanh Liêm - Võ Dung (TTXVN)
Người dân tự phát về quê: Đừng để nhu cầu 'chính đáng' trở thành hành vi nguy hiểm, sai trái
Người dân tự phát về quê: Đừng để nhu cầu 'chính đáng' trở thành hành vi nguy hiểm, sai trái

Con đường về nhà, về lại “nơi chôn nhau, cắt rốn của mình” vốn tưởng như rất đỗi bình thường, chính đáng của nhiều người dân các tỉnh thành miền Tây cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước hiện đang sinh sống, làm việc ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai lại đang trở nên rất gian truân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN