Các hồ chứa phải được xây dựng kịch bản ứng phó trong mùa mưa bão

Tại hội nghị “Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng khẳng định, hiện đang đến mùa mưa lũ, nguồn lực đầu tư đã được phân bổ nên việc đề nghị vốn để sửa chữa là không khả thi.

Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả lũ. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, các đơn vị quản lý cần nâng cao năng lực dự báo mưa, đánh giá khả năng lũ đến hồ chứa để xây dựng các kịch bản vận hành hồ chứa. Các hồ chứa phải được xây dựng các kịch bản ứng phó.

Các đơn vị tập trung vào quản lý vận hành các đập, hồ chứa, đảm bảo sẵn sàng cả về trang thiết bị và con người. Những hồ chứa xuống cấp, chất lượng thấp thì không được chứa nước. An toàn đập, hồ chứa phải chú ý đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du. Do đó, đơn vị quản lý phải đánh giá được vùng hạ du có thể bị ảnh hưởng với các kịch bản và thông tin đến người dân biết được  tình hình của hồ chứa, những vấn đề có thể xảy ra. Truyền thông tốt đến người dân những giải pháp ứng phó.

Về phân cấp quản lý, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu, nguyên tắc phải dựa vào năng lực, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp quản lý. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm về vấn đề phần cấp quản lý này.

Cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ khoảng 13,5 tỷ m3, phân bổ tại 45/63 địa phương; trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Có 3 hồ là: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng là hồ chứa quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Cả nước hiện còn 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ; trong đó, 450 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa.

Đối với 23 hồ chứa xảy ra sự cố trong năm 2017, các địa phương đã khắc phục tạm thời hoặc bố trí kinh phí sửa chữa với 11 hồ chứa, còn lại chưa bố trí được nguồn vốn để sửa chữa.


Mùa mưa bão năm 2018 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên biển Đông sẽ xuất hiện từ 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó từ 5 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng lưu ý là xuất hiện nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây là nhân tố nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng và mất an toàn.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ kinh nghiệm, việc dự báo đối với miền Trung rất quan trọng để đưa ra các hình thế thời tiết. Nếu có phân tích chính xác, đồng thời áp dụng quy trình vận hành các hồ chứa nghiêm túc sẽ góp phần chủ động, giảm thiệt hại trong thời điểm mưa cực đoan, phải xả lũ khẩn cấp các hồ chứa.

Bích Hồng (TTXVN)
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN