Các doanh nghiệp 9 tỉnh, thành phố phía Bắc cần tuyển hơn 44.000 lao động

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người lao động, ngay sau Tết Nguyên Đán, ngày 22/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp các Trung tâm Dịch vụ việc làm phía bắc chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố”. Trong đó, Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, lên tới 17.494 chỉ tiêu.

Ngày 22/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức phiên giao dịch trực tuyến, với nhu cầu tuyển dụng lên tới hơn 44.000 vị trí.

Chú thích ảnh
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong số hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng ký tại phiên giao dịch việc làm này, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị thuộc tỉnh Bắc Giang lớn nhất, lên tới 17.494 chỉ tiêu. Nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp theo lớn là các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh với 11.080 chỉ tiêu. Một số tỉnh, thành có chỉ tiêu tuyển dụng lên đến con số hàng nghìn, gồm Quảng Ninh 5.365 chỉ tiêu, Thái Bình 3.708 chỉ tiêu, Ninh Bình 3.174 chỉ tiêu…

Tại Hà Nội, có 29 doanh nghiệp đăng ký, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 977 chỉ tiêu. Cùng với việc tổ chức phiên giao dịch việc làm online đồng bộ trên hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại 215 Trung Kính (Hà Nội) và các sàn.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngay sau Tết Giáp Thìn 2024, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phiên giao dịch việc làm lần này nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp. Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải - logistic, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch…

Chú thích ảnh
Lao động tìm hiểu vị trí việc làm qua hình thức trực tuyến.

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 256 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 222 phiên hàng ngày, 10 phiên trực tuyến, 4 phiên chuyên đề, 2 phiên lồng ghép và 18 phiên lưu động trong năm 2024.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày diễn ra đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội; đẩy mạnh hợp tác, kết nối với sàn giao dịch việc làm các địa phương trong vùng Thủ đô và các tỉnh khác trên cả nước thông qua tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến, chuyên đề. Các hoạt động cung ứng thông tin thị trường lao động được triển khai đa dạng giúp học viên, sinh viên, người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường lao động.

Phân tích dữ liệu từ nhu cầu tuyển dụng cho thấy, mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng trở lên vẫn được các doanh nghiệp đưa ra chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm hơn 41%, khoảng 25% có mức thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng dành nhiều chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, với mức lương dao động từ 10 đến 15 triệu đồng (17%) và một số ít cho các chỉ tiêu tuyển dụng có mức lương từ 15 triệu đồng trở lên.

Tại phiên giao dịch việc làm hôm nay, phần lớn các lĩnh vực đều có chỉ tiêu tuyển dụng khá lớn, trung bình trên 1.000 chỉ tiêu. Trong đó, chiếm lớn nhất là nhóm công nhân sản xuất trong các nhà máy tại các khu công nghiệp. Đơn cử như, có 3.347 chỉ tiêu cho nhóm công nhân điện tử, may mặc 3.121, công nhân xây dựng hơn 2.900 chỉ tiêu, công nhân sản xuất nhựa 2.863 chỉ tiêu, thợ vận hành máy 2.865 chỉ tiêu…Bên cạnh đó, các vị trí tuyển dụng nhiều khác là kinh doanh – mareting, cơ khí – hàn, bán hàng – thu ngân, kế hoạch sản xuất, lái xe, biên dịch – phiên dịch…

Chú thích ảnh
Tư vấn các vị trí việc làm cho người lao động.

Riêng tại sàn việc làm Hà Nội, trong tổng số 29 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm có 15 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỷ lệ cao nhất với 51,7%, còn lại thuộc lĩnh vực khác như: Sản xuất, xây dựng, bất động sản…

Tại sàn Hà Nội, các phân khúc thu nhập cũng được doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đưa ra khá đa dạng, từ 15 triệu đồng/tháng trở lên cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng cho các chỉ tiêu tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng… Mức thu nhập phổ biến từ 7 - 10 triệu đồng/tháng sẽ dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dành mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime..

Ngoài ra, một số chỉ tiêu sẽ có mức lương được thoả thuận giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phỏng vấn. Mức lương thoả thuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn, vị trí công việc… đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Tin, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức
Một số điểm mới  cần lưu ý về hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Một số điểm mới cần lưu ý về hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thông tư mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có một số điểm mới như: Bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, thay đổi công thức tính thời gian bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, thêm trường hợp được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN